"Chúng ta nên nhìn nhận tình hình một cách tỉnh táo", Thủ tướng Đức Scholz phát biểu trước quốc hội tại Berlin ngày 22/6, thêm rằng chính phủ Ukraine đã thừa nhận không thể gia nhập NATO khi chiến sự tiếp diễn. "Đó là lý do tôi đề xuất ưu tiên tuyệt đối trong hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Litva là tăng cường sức mạnh chiến đấu cho Ukraine".
Theo Thủ tướng Đức, vấn đề quan trọng được nêu ra tại hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 11-12/7 sẽ là mối quan hệ trong tương lai giữa Ukraine và NATO. Ông cũng cho biết Đức và các đối tác trong G7 cũng như Liên minh châu Âu (EU) đang thúc đẩy đảm bảo an ninh lâu dài cho Ukraine.
"Mục tiêu của chúng tôi là hỗ trợ quân sự bền vững cho Ukraine, trong đó có vũ khí hiện đại của phương Tây và tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của Kiev", ông nói.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trước quốc hội tại Berlin ngày 22/6. Ảnh: AFP
Thủ tướng Đức nhấn mạnh các cuộc đàm phán ở Vilnius sẽ gửi đi "tín hiệu mạnh mẽ" về hợp tác và quyết tâm xuyên Đại Tây Dương.
Các nước NATO đang tranh cãi về những đề xuất dành cho Ukraine trước hội nghị thượng đỉnh. Ukraine và những đồng minh thân cận nhất ở Đông Âu kêu gọi thực hiện các bước cụ thể để đưa Kiev tiến gần hơn tư cách thành viên, trong khi các chính phủ phương Tây như Mỹ và Đức cảnh giác với bất kỳ động thái nào có thể đẩy liên minh vào xung đột với Nga.
Đức, quốc gia nhiều năm qua chi tiêu quốc phòng dưới mức 2% GDP mà NATO đặt ra, dự kiến đạt mục tiêu từ năm tới. "Chúng tôi đảm bảo rằng quân đội Đức sẽ nhận được thiết bị cần thiết bằng cách chi 2% GDP cho quốc phòng bắt đầu từ năm tới, lần đầu tiên sau nhiều năm", ông Scholz tuyên bố.
Chi tiêu quốc phòng của Đức chỉ đạt khoảng 1,5% GDP trong những năm qua. Tuy nhiên, xung đột Ukraine đã dẫn đến thay đổi chính sách lớn ở Berlin. Bên cạnh việc gửi vũ khí đến Ukraine, Đức đang tăng cường chi tiêu quân sự để bổ sung các kho vũ khí đã cạn kiệt, từ chiến đấu cơ, xe tăng cho đến hệ thống phòng không.
Ông Scholz cũng kêu gọi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngừng phản đối Thụy Điển gia nhập NATO. "Thụy Điển nên tham dự hội nghị thượng đỉnh với tư cách đồng minh mới của NATO. Tôi kêu gọi Tổng thống Erdogan hãy dọn đường cho việc này", Thủ tướng Đức cho hay.
Kiev đưa mục tiêu gia nhập NATO vào hiến pháp từ năm 2019, bất chấp những cảnh báo của Nga rằng khả năng liên minh triển khai lực lượng và vũ khí ở biên giới sẽ tạo thành mối đe dọa an ninh không thể chấp nhận được.
Điện Kremlin nhiều lần tuyên bố rằng ngăn Ukraine gia nhập NATO là một trong những mục tiêu chính của Nga. Moskva coi đà hướng đông của NATO là một trong những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng, buộc Nga phải phát động chiến dịch ở Ukraine.
Hồi tháng 4, Tổng thư ký NATO cho biết Ukraine có thể gia nhập liên minh, nhưng chỉ sau khi chiến sự kết thúc. Kiev đã chấp nhận quan điểm này.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)