Chính phủ Đức ngày 29/1 đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ việc 3 hãng sản xuất ôtô hàng đầu thế giới của nước này gồm Volkswagen, BMW và Daimler tiến hành các cuộc thí nghiệm thử phản ứng hô hấp của khỉ và người khi tiếp xúc với khí thải từ ôtô.

 

Người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Steffen Seibert cho biết các cuộc thử nghiệm kiểu như vậy đối với khỉ và thậm chí với người là "không thể bào chữa được" về mặt đạo đức và vụ việc khiến nhiều người căm phẫn là điều dễ hiểu.

Trong khi đó, phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Giao thông Đức Christian Schmidt cho biết Chính phủ Đức lên án mạnh mẽ các cuộc thử nghiệm khí thải, đồng thời nhấn mạnh hành động này một lần nữa đã làm xói mòn và suy yếu lòng tin của người tiêu dùng đối với ngành công nghiệp sản xuất ôtô.

Đức lên án mạnh mẽ thử nghiệm phát thải khí trên khỉ và người - 0

Thử nghiệm ống xả của xe Volkswagen Golf 2.0 tại trung tâm kỹ thuật ở Ludwigsburg, miền tây nam Đức ngày 7/8/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ông khẳng định Chính phủ Đức yêu cầu cả 3 hãng sản xuất ôtô BMW, Volkswagen và Dainler đưa ra lời giải thích về vụ bê bối trên.

Trước đó cùng ngày, các nguồn tin do báo giới Đức và Mỹ cho biết cả ba hãng sản xuất ôtô hàng đầu thế giới của Đức này đã tài trợ kinh phí cho một tổ chức có tên gọi "Nhóm nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe trong lĩnh vực Giao thông châu Âu" (EUGT) tiến hành các cuộc thử nghiệp về tác hại của việc hít phải khí độc nitrogen oxit (NOx) trên khỉ và người theo sự ủy thác từ Viện Nghiên cứu Hô hấp Lovelace (LRRI) tại Mỹ.

Ngay sau khi các thông tin trên được công bố, hãng Volkswagen và Daimler, công ty mẹ của hãng xe sang Mercedes-Benz đã lên tiếng phủ nhận, đồng thời khẳng định hoàn toàn phản đối mọi hình thức nghiên cứu này. Trong khi đó hiện BMW vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy việc hít phải khí độc NOx có thể làm gia tăng các triệu chứng của bệnh viêm phế quản và hen suyễn, cũng như dẫn tới các bệnh truyền nhiễm về hô hấp, từ đó gây suy giảm chức năng của phổi. Thậm chí, còn tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới các bệnh về tim mạch, gây tử vong sớm ở người.

Nguồn: TTXVN




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC