“Xung đột” giữa Thủ tướng Đức Merkel và Bộ trưởng Nội vụ Seehofer đang đe doạ sự tan rã của chính phủ Đức chỉ sau chưa đầy hai tháng thành lập.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, nguyên thủ quốc gia nắm quyền lâu nhất ở EU, nổi tiếng về bản lĩnh vượt qua những sóng gió trên chính trường.

Song lần này có thể thấy rõ bà Merkel đang đứng trước một thách thức lớn với tổn thất đáng kể ở cương vị lãnh đạo của mình.

Cuối cùng, cái cách làm chính trị của bà Merkel lại là nguồn cơn thịnh nộ bất ngờ tuôn trào từ chính Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc Giáo (CDU) của bà.

Đức: Liệu “bà đầm thép” Angela Merkel có vượt qua được bão táp chính trị? - 0

Điều gì đã xảy ra?

Bộ trưởng Nội vụ của bà Merkel, Horst Seehofer, thủ lĩnh đảng liên minh với CDU ở bang Bavaria, đó là Liên minh Xã hội Cơ đốc Giáo (CSU) theo chủ trương hà khắc về vấn đề nhập cư, đang đe doạ dùng thẩm quyền của mình chống lại chính sách nhập cư của bà Merkel. Vào ngày thứ 2 (18/6), ông Seehofer dự định sẽ đưa ra quyết định về vấn đề ban bố sắc lệnh bắt đầu từ chối người xin tị nạn ở biên giới nếu họ thiếu các giấy tờ hợp lệ và đă đăng ký ở một nước EU khác.

Lời đe doạ của ông Seehofer đã buộc bà Merkel phải mau chóng hành động và cho thấy lời hứa của bà Merkel là điều bà không hẳn mong muốn và có thể sẽ không thực hiện được việc đạt một loạt các thoả thuận tị nạn song phương với các quốc gia EU khác trước khi diễn hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 28/6 tới.

Đi theo con đường song phương là trái với mục tiêu mà bà Merkel đã tuyên bố từ ngày đầu của cuộc khủng hoảng di trú vào năm 2015, đó là tìm ra một giải pháp chung của EU thay vì đạt thoả thuận với từng nước.

Trong khi đó, lòng nhiệt tình tiếp nhận trên một triệu người tị nạn của Đức trong ba năm qua đã thuyên giảm. Theo kết quả thăm dò ý kiến Deutschlandtrend gần đây do cơ quan truyền thanh ARD tiến hành, khoảng 86% người Đức muốn mau chóng hồi hương người nhập cư bị từ chối đơn xin tị nạn và 62% phản đối tiếp nhận người nhập cư không có giấy tờ.

Vị thủ lĩnh của Đảng SPD, một đối tác liên minh không còn nhiệt thành của bà Merkel, cảm thấy cần phải lên tiếng và điều này chỉ càng làm khắc sâu cuộc khủng hoảng chính trị tại Đức. Cả SPD và CSU đều đồng quan điểm cho rằng bà Merkel không mảy may đoái hoài đến ý kiến công chúng.

Trong cuộc vận động tranh cử vào năm ngoái, nhà lãnh đạo SPD Andrea Nahles đã nhiều lần chỉ trích bà Merkel tảng lờ những lo lắng của người dân thường và chỉ chú trọng đến hoạt động kinh tế tươi sáng của đất nước mà không chú ý về sự bất bình đẳng gia tăng trong xã hội. Gần đây, Thủ hiến bang Bavaria Markus Söder thuộc đảng CSU đã chỉ trích bà Merkel không đả động đến vấn đề nhập cư và cho rằng người Đức xứng đáng ‘cuối cùng nhìn thấy sự thay đổi thực sự trong chính sách tị nạn”.

Lời nhận xét của ông Söder đã bỏ sót một sự kiện quan trọng, đó là bà Merkel thay đổi dần dần lập trường từ chính sách nhập cư mở cửa vào năm 2015 sang ủng hộ chính sách tị nạn chặt chẽ hơn. Hỗ trợ tài chính cho người nhập cư giảm và số nước được công bố là “các nước có xuất xứ an toàn” tăng.

Hết tín nhiệm?

Ông Söder cho biết “du lịch tị nạn” đang tiếp diễn có nghĩa là chính phủ liên minh của bà Merkel đang “tiến gần đến kết thúc trò chơi khi nói về sự tín nhiệm.” Sự yêu mến của dân chúng đối với bà Merkel được xây dựng dựa trên chính sự tín nhiệm và điều đó đã đưa bà Merkel vượt qua nhiều thời khắc khó khăn như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khi bà đã ngăn chặn sự sụp đổ của ngân hàng bằng lời cam kết bảo đảm rằng tiền tiết kiệm gửi ngân hàng của người Đức sẽ được bảo vệ an toàn.

Thái độ điềm tĩnh của bà Merkel thường làm che lấp thực tế bà đã tuyên bố những chính sách lớn như quyết định bất ngờ của bà về việc chấm dứt chính sách năng lượng hạt nhân và việc chuyển dịch triệt để sang sử dụng năng lượng tái chế, cho dù đây vẫn là một vấn đề rắc rối về mặt pháp lý.

 

Đức: Liệu “bà đầm thép” Angela Merkel có vượt qua được bão táp chính trị? - 1
Ảnh: DPA

Song trong chính đảng của mình, bà Merkel được biết đến là người đưa đồng minh và đối thủ của mình đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Những người chỉ trích bà cho rằng bà cần phải có trách nhiệm vì sự xói mòn dần dần hình ảnh bảo thủ của CDU kể từ năm 2005. Đối với giới phê bình, cuộc khủng hoảng di trú là một vụ việc tương tự tiếp theo, thậm chí có tác động lớn hơn đối với sự ủng hộ công chúng đối với CDU và CSU.

Mọi chuyện sẽ kết thúc ở đâu?

Câu trả lời sẽ tuỳ vào người bạn hỏi. Những thành viên hàng đầu của Đảng Sự lựa chọn Thay thế vì nước Đức (AfD) cực hữu sẽ thừa nhận rằng cuộc khủng hoảng nhập cư phần nào đã giúp họ quay trở lại chính trường sau một thời gian gần như bị lãng quên vào năm 2015. Và không có gì là ngạc nhiên khi CSU cho rằng bà Merkel gây ra mối đe doạ lớn mà đảng này sẽ vấp phải trong cuộc bầu cử bang Bavaria vào tháng 10 tới.

Các chính trị gia trong nội bộ CDU đang cố gắng làm dịu tình hình căng thẳng và cho rằng sự sụp đổ của liên minh là khó thể xảy ra. Đồng thời, đảng viên kỳ cựu Wolfgang Schäube đã được cắt cử đề điều đình với CSU. Đồng thời, tổng thư ký của CDU đã gửi một tâm thư đến các đảng viên kêu gọi họ hãy trung thành  và nhấn mạnh rằng chiến lược của bà Merkel là nhằm làm điều đúng đắn cho châu Âu.

Một số người hoài nghi cho rằng ông Seehofer đang hành động vì cơn giận dữ bốc đồng hơn là lắng nghe theo lý lẽ. Song những người khác tỏ ra cảm thông hơn với ông Seehofer.

Tờ “Stuttgarter Zeitung” viết rằng “vấn đề nhập cư sẽ không giải quyết được trên biên giới của bang Bavarria” và đặt câu hỉ vì sao chúng ta có thể tin rằng bà Merkel có thể tìm thấy một sự nhất trí tối thiểu về vấn đề nhập cư trong hai tuần khi mà bà không thể giải được bài toán này trong hai năm qua.

 

Nguồn: Xuân Hương

Vov.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC