Trước sức ép giảm viện trợ từ Mỹ, châu Âu không còn đứng ngoài cuộc mà đang từng bước định hình vị thế mới – từ kho vũ khí tiếp viện sang trung tâm công nghệ quốc phòng hiện đại, với tham vọng độc lập và cạnh tranh sòng phẳng với Washington.

1 Chau Au Chuyen Minh Tu Vien Tro Sang Tu Cuong Thach Thuc The Doc Ton Cua Vu Khi My

Bà Ursula von der Leyen, bên phải, và Bộ trưởng Lực lượng vũ trang Pháp Florence Parly đứng cạnh mô hình máy bay không người lái MALE của châu Âu tại Triển lãm hàng không ILA Berlin tại Schoenefeld, Đức. (Sean Gallup/Getty Images)

Chiến tranh Ukraine đã bước sang năm thứ tư. Nếu như trước đây, châu Âu thường được xem là người đứng bên lề trong các quyết định quân sự, thì hiện tại, lục địa này đang từng bước thể hiện vai trò trung tâm — không chỉ về viện trợ mà còn trong việc xây dựng năng lực quốc phòng độc lập, cạnh tranh trực tiếp với Hoa Kỳ.

Kể từ đầu năm 2025, trong bối cảnh Washington giảm tốc viện trợ vì áp lực nội bộ và định hướng mới từ Tổng thống Trump, các quốc gia châu Âu đã hành động quyết liệt hơn. Họ không chỉ tăng viện trợ quân sự cho Kyiv mà còn phát triển và thử nghiệm công nghệ quốc phòng ngay tại chiến trường Ukraine.

Liên minh châu Âu cam kết cung cấp hơn 1,35 triệu viên đạn pháo trong năm nay, đồng thời trích gần 1,9 tỷ euro từ tài sản Nga bị phong tỏa để tài trợ quốc phòng cho Ukraine. Đây là sự kết hợp giữa sức mạnh quân sự và công cụ tài chính, cho thấy EU đã bước vào “cuộc chiến chính nghĩa” với vai trò chủ động hơn bao giờ hết.

  • Anh và Na Uy dẫn đầu một liên minh viện trợ mới trị giá 450 triệu bảng Anh, bao gồm hàng trăm nghìn drone, radar phản pháo và mìn chống tăng – những loại vũ khí đã chứng minh hiệu quả rõ rệt trong chiến trường mở và giao tranh đô thị.
  • Pháp khẳng định vị thế cường quốc chiến lược khi chuyển giao máy bay Mirage 2000-5, tên lửa SCALP và pháo tự hành CAESAR. Paris không che giấu tham vọng dùng Ukraine như nơi thử nghiệm thực tế cho vũ khí “made in France”, qua đó giành vị trí dẫn đầu công nghệ quốc phòng châu Âu.
  • Đức tiếp tục là trụ cột hậu cần với xe tăng Leopard 2 và hệ thống phòng không IRIS-T – một trong những khí tài được Ukraine đánh giá cao nhất trong việc đối phó tên lửa hành trình và drone tại Đông Âu.
  • Đan Mạch tạo dấu ấn đặc biệt khi viện trợ 2,4 tỷ krone (322 triệu euro), trong đó có phần tài trợ trực tiếp cho dây chuyền sản xuất drone và tên lửa tại Ukraine – một bước đi mang tính bước ngoặt, biến Kyiv từ người nhận thành đối tác sản xuất.

Ngay cả những quốc gia nhỏ như Phần Lan cũng đang chủ động. Helsinki sử dụng 90 triệu euro từ tài sản Nga bị đóng băng để cung cấp đạn pháo, khẳng định rằng các nước Bắc Âu không còn đứng ngoài cuộc.

Nhưng điểm then chốt không chỉ nằm ở số lượng viện trợ. Châu Âu đang tái cấu trúc ngành công nghiệp quốc phòng nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ. Pháp đã công bố hệ thống tên lửa tầm xa Foudre – đối trọng thực sự với HIMARS – có thể phóng đạn chính xác ở khoảng cách tới 1.000 km và tích hợp vào các hệ thống châu Âu.

2 Chau Au Chuyen Minh Tu Vien Tro Sang Tu Cuong Thach Thuc The Doc Ton Cua Vu Khi My

Trong không gian chiến đấu trên không, chiến đấu cơ thế hệ thứ sáu NGF (Next Generation Fighter) trong dự án FCAS – hợp tác giữa Pháp, Đức và Tây Ban Nha – hướng đến thay thế F-35 của Mỹ. Song song đó, chương trình GCAP do Anh, Ý và Nhật phát triển đang xây dựng thế hệ chiến đấu cơ mới mang dấu ấn riêng.

Trên mặt đất, mẫu xe tăng KF51 Panther của Đức với pháo 130mm, tích hợp drone trinh sát và hệ thống tác chiến điện tử đang tạo ra một tiêu chuẩn mới. Dự án MGCS hợp tác Pháp - Đức cũng đang được kỳ vọng tạo ra thế hệ thiết giáp đối đầu trực tiếp với Abrams của Mỹ và Armata của Nga.

Trong lĩnh vực không người lái, châu Âu đẩy mạnh các dự án từ UAV nEUROn, Eurodrone, đến drone bầy đàn AI của Thụy Điển. Công ty Helsing (Đức) giới thiệu drone ngầm SG-1 Fathom có khả năng hoạt động dưới biển đến 3 tháng liên tục, còn InoBat (Slovakia) cho ra mắt pin sạc siêu tốc E10 – rút ngắn thời gian sạc xuống dưới 15 phút.

Những sáng kiến này cho thấy một châu Âu không còn yếu mềm hay trông đợi vào lòng tốt từ bên kia Đại Tây Dương. Thay vào đó, lục địa già đang khẳng định vị thế bằng công nghệ, ngân sách và ý chí chính trị.

Ukraine có thể vẫn đơn độc trên chiến tuyến, nhưng không còn đơn độc trong chiến lược. Giờ đây, bên cạnh Kyiv không chỉ là vũ khí Mỹ, mà còn là ý chí tự cường và hỏa lực đang trỗi dậy mạnh mẽ từ một châu Âu tái sinh.

Phạm Hương - © Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC