Bộ Quốc phòng Đức vừa công bố kế hoạch mua sắm vũ khí có trị giá lên đến 130 tỷ euro, trong đó phần lớn là vũ khí Đức tự sản xuất.
Bản kế hạch này vừa được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen đệ trình lên Quốc hội nước này. Theo kế hoạch mua sắm, đến trước năm 2030, chi phí quốc phòng của Đức tăng bình quân hàng năm 8,6 tỷ euro, còn trước đây chỉ tăng bình quân/năm là 4,7 tỷ euro.
Một khi bản kế hoạch này được thông qua, nó được đánh giá lầ sẽ không tác động nhiều đến số lượng trang thiết bị, vũ khí của lực lượng hải quân và không quân Đức bởi trọng tâm của nó là thực hiện đầu tư trang bị cho lục quân nước này.
Chương trình mua sắm vũ khí trong bản kế hoạch này chủ yếu là tăng mua vũ khí lục quân như: Hiện nay có 225 xe tăng chủ lực Leopard 2 sẽ được tăng lên 320 chiếc; 217 chiếc xe trinh sát Fennek sẽ tăng lên 248 chiếc;
xe bọc giáp chở quân Boxer từ 272 chiếc được tăng lên 402 chiếc; pháo phóng lựu tự hành 155mm PzH 2000 từ 89 khẩu sẽ được nâng lên 101 khẩu. Ngoài ra, 192 chiếc xe bộ binh SPz Marder hiện có sẽ được tăng thêm 342 chiếc xe bộ binh Cougar.
Được biết, gần như tất cả trong số vũ khí mua sắm lần này của Bộ Quốc phòng Đức đều do nước này sản xuất. Ngoài việc mua sắm vũ khí mới, khoản ngân sách nói trên còn được Quân đội Đức dùng để sửa chữa và nâng cấp vũ khí đang sử dụng.
Su troi day cua nguoi Duc voi vu khi noi dia
Pháo tự hành 155mm PzH 2000 được vận chuyển bằng máy bay.
Ngay khi bản kế hoạch mua sắm này được khai, tờ Der Spiegel của Đức đã nhận định đây là sự trỗi dậy của vũ khí nội trong chính quân đội nước này. Cũng theo tờ báo này, trước đó, chính phủ Đức cũng đã quyết định chi 6 tỉ euro nâng cấp hệ thống vũ khí đang xuống cấp.
Der Spiegel dẫn lời người đại diện Bộ Quốc phòng Đức cho biết: “Chúng tôi sẽ đầu tư 6 tỉ euro trong vòng 7 đến 8 năm tới, nhằm cải thiện trong các hệ thống vũ khí và thiết bị quân sự”. Theo các tài liệu được trích dẫn bởi tờ Der Spiegel thì những vấn đề về thiết bị quân sự đã gây áp lực lên khả năng hoạt động của Quân đội Đức.
Một trong những vấn đề này có thể kể đến là radar của chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon hay dây tời ở máy bay trực thăng vận tải NH90 đang gây khó khăn cho việc sử dụng. Hiện tại chỉ có 4 trên tổng số 39 chiếc NH90 của quân đội Đức đang đủ khả năng vận hành.
Tuy nhiên theo nhận định của hãng Sputnik, nâng cấp vũ khí chỉ là cái cớ của người Đức. Theo đó, những phương tiện và vũ khí như tiêm kích Typhoon, trực thăng NH90 hiện vẫn đang trong tình trạng hoạt động rất tốt.
Sputnik phân tích, với năng lực quốc phòng của người Đức, không bao giờ người Đức để vũ khí xuống cấp tới mức trầm trọng mới tính đến chuyện nâng cấp. Đặc biệt số trực thăng NH90 và máy bay Typhoon chỉ mới hoạt động trong quân đội nước này chưa đến 10 năm, vì vậy không có chuyện vũ khí Đức xuống cấp như những gì công bố.
Không chỉ nâng cấp, người Đức còn tiến hành mua sắm và thay thế một số loại vũ khí mới. Theo Sputnik, từ chương trình mua sắm và nâng cấp quốc phòng của Đức cho thấy, đây rõ ràng là biện pháp tăng cường sức mạnh quốc phòng nhằm đối phó với tình hình bất ổn trong khu và độc lập vũ khí với Mỹ.
Nhận định trên hoàn toàn có cơ sở khi đầu tháng 6/2015, Chính phủ Đức quyết định mua hệ thống phòng không tầm trung hiện đại MEADS do công ty MBDA của Đức và Italia cùng Lockheed Martin (Mỹ) hợp tác phát triển. Bản hợp đồng có tổng giá trị khoảng 4,5 tỷ USD.
Nói về quyết định mua sắm này, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen cho biết, mua sắm hệ thống MEADS để thay thế hệ thống phòng không Hawk và Patriot do Mỹ sản xuất đang có trong trang bị của lực lượng phòng không Đức.
Ngoài ra, Đức cũng đưa vào trang bị hệ thống phòng không tầm ngắn LeFlaSys (ASRAD) - sản phẩm do Công ty Krauss-MAFFEI Wegmann (Đức) phát triển. ASRAD được trang bị các tên lửa Stinger với đầu tự dẫn hồng ngoại được sử dụng như là vũ khí tiêu diệt chính của tổ hợp LeFlaSys. Ngoài ra, tổ hợp có thể sử dụng các loại tên lửa Igla-1, Igal, Mistral.
Cơ số đạn tên lửa bổ sung được dùng để nạp lại ở chế độ nạp bằng tay có thể bố trí trong xe chiến đấu. Kíp chiến đấu bắn mục tiêu ở trong cabin hoặc ở vị trí ẩn nấp bằng cách sử dụng thiết bị điều khiển từ xa.
Tổ hợp tên lửa phòng không tự hành ASRAD dùng để yểm trợ cho các sở chỉ huy, các đầu mối liên lạc, căn cứ không quân và các đơn vị bộ đội khi hành quân và trên chiến trường trước các cuộc tấn công của máy bay và trực thăng hoạt động tầm thấp và cực thấp.
Ngọc Hòa, BaoDatViet