Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức Robert Habeck cho biết tình hình hiện tại nghiêm trọng, nước Đức "đang trong một cuộc khủng hoảng khí đốt."

1 Duc Nang Muc Canh Bao Trong Ke Hoach Khan Cap Ve Khi Dot

Ngày 23/6, Chính phủ Đức đã kích hoạt "mức báo động" trong kế hoạch khẩn cấp về khí đốt của nước này, trong bối cảnh nguồn cung khí đốt từ Nga giảm và giá khí đốt liên tục ở mức cao.

Đây là mức cảnh báo thứ hai trong 3 mức cảnh báo của kế hoạch này.

Theo phóng viên tại Berlin, phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Berlin,

Theo ông Habeck, nguồn cung khí đốt cho Đức bị gián đoạn và hiện tại khí đốt đang là một mặt hàng khan hiếm, giá khí đốt đã tăng cao và còn tăng hơn nữa.

Kể từ khi Nga giảm lượng khí đốt cung cấp cho Đức qua đường ống Nord Stream 1, tình hình đã trở nên nghiêm trọng. Vì vậy cần phải kích hoạt mức báo động này.

Kế hoạch khẩn cấp về khí đốt của Đức được đưa ra sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Kế hoạch này gồm 3 mức - cảnh báo sớm, báo động và khẩn cấp.

Ngày 30/3 vừa qua, Phó Thủ tướng Habeck đã tuyên bố mức cảnh báo sớm (mức đầu tiên) của kế hoạch này, theo đó giám sát chặt chẽ hơn dòng chảy khí đốt hằng ngày và tập trung vào việc dự trữ khí đốt.

Mức thứ 2 của kế hoạch được kích hoạt khi Chính phủ Đức nhận thấy có nguy cơ cao thiếu nguồn cung dài hạn.

Mức báo động này phản ánh "tình hình nguồn cung khí đốt giảm đáng kể," tuy nhiên vẫn "xử lý" được tình hình ở thời điểm hiện tại.

Về nguyên tắc, mức báo động cho phép các cơ sở cung cấp khí đốt tăng giá đối với người tiêu dùng để giảm nhu cầu.

Tuy nhiên, về việc này, Phó Thủ tướng Habeck nêu rõ theo luật an ninh năng lượng của Đức, các doanh nghiệp không được tự do tăng giá khí đốt.

Chỉ khi Cơ quan mạng lưới liên bang xác định tổng lượng khí đốt nhập khẩu vào Đức "giảm đáng kể" và công bố rõ ràng thì các doanh nghiệp mới được phép tăng giá đến "mức hợp lý."

Phó Thủ tướng Habeck cho rằng tình trạng thiếu khí đốt là gánh nặng lớn đối với người dân và doanh nghiệp Đức.

Chính phủ Đức đã chuẩn bị cho kịch bản báo động này từ tháng 12/2021, trong đó có việc chuẩn bị các cơ sở dự trữ mới, ban hành luật và các kênh mua sắm thay thế khí đốt.

Theo ông Habeck, hiện tại, Đức vẫn có thể mua đủ số lượng khí đốt cần thiết trên thị trường để lấp đầy các kho dự trữ. Ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Đức là lấp đầy các cơ sở dự trữ khí đốt, đồng thời tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế và tiếp tục mở rộng năng lượng tái tạo.

Phó Thủ tướng Habeck kêu gọi người dân và doanh nghiệp Đức tiết kiệm khí đốt hơn nữa, cả hiện tại cũng như trong mùa Đông tới.

Theo ông, 41 triệu hộ gia đình ở Đức "có thể tạo ra sự khác biệt" với việc tiết kiệm tới 15% chi phí sưởi ấm. Các doanh nghiệp cũng đã giảm 8% sử dụng khí đốt và có thể tiếp tục giảm hơn nữa.

Đề cập việc bảo trì đường ống Nord Stream 1, Phó Thủ tướng Habeck cho rằng sẽ cần 10 ngày để có thể hoàn thành công việc này.Ông cũng nhấn mạnh nếu không có nguồn cung khí đốt qua đường ống này, Chính phủ Đức "cần phải hành động thêm"./.

Vũ Tùng (TTXVN/Vietnam+)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC