Căng thẳng nguồn cung năng lượng là lý do chính dẫn đến giá cả tăng vọt và bất ổn định, ảnh hưởng đến cả các doanh nghiệp lẫn hộ gia đình, theo một báo cáo mới ngày 19/9/2022 từ Ngân hàng Trung ương Đức cho biết.
Đầu tháng 9/2022, Nga đã đóng vô thời hạn đường ống Nord Stream 1 — con đường xuất khẩu khí đốt quan trọng sang Đức — và nói rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã gây ra tình trạng này.
Chế độ bắt buộc hạn chế sử dụng khí đốt chỉ có thể suýt soát tránh được nhờ vào lượng lớn khí đốt từ các nguồn khác.
"Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải giảm đáng kể hơn nữa lượng tiêu thụ khí đốt — đặc biệt là ở các hộ gia đình", Ngân hàng Trung ương cho biết.
Ngân hàng Trung ương Đức cho rằng sẽ có sự suy giảm trên diện rộng và lâu dài hơn trong hoạt động kinh tế quốc gia này.
"Ngày càng có nhiều dấu hiệu về sự suy thoái của nền kinh tế Đức, như là có sự suy giảm sản lượng kinh tế rõ ràng, trên diện rộng và lâu dài hơn".
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Đức dự kiến sẽ giảm phần nào trong quý III, sau đó sẽ giảm đáng kể trong quý IV/2022 và quý I/2023, Ngân hàng Trung ương Đức cho hay.
Giá năng lượng cao đã ảnh hưởng đến các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng, với sản lượng ngành hóa chất giảm mạnh. Sản xuất hàng tiêu dùng cũng sụt giảm đáng kể, đặc biệt là dược phẩm và đồ nội thất. Nhu cầu đối với ngành xây dựng cũng đã giảm mạnh.
Lạm phát cũng dự kiến tiếp tục tăng trong những tháng tới sau khi một số biện pháp hỗ trợ của chính phủ nhằm giảm chi phí nhiên liệu và giao thông công cộng hết hiệu lực vào cuối tháng 8. Ngân hàng Trung ương dự báo lạm phát có thể đạt mức hai con số trong vòng vài tháng tới.
Nếu thời tiết lạnh giá, tình trạng thiếu khí đốt sẽ còn tồi tệ hơn. Đức có thể gặp tình trạng thiếu khí đốt nghiêm trọng trên toàn quốc, và chỉ có thể dự đoán được điều này khoảng hai tuần trước khi xảy ra, theo Klaus Müller — chủ tịch cơ quan quản lý thị trường năng lượng của Đức — cho hay.
Cao Dương