Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius (phải) - Ảnh: REUTERS
Đoạn băng 38 phút này ghi lại cuộc trao đổi của lãnh đạo không quân cùng ba sĩ quan Đức, trong đó đề cập tới khả năng cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine.
Thông tin chi tiết về đoạn băng rò rỉ này có thể đọc tại đây.
Nội dung từ đoạn băng 38 phút trên khiến châu Âu dậy sóng, trong khi Nga tố Đức đang hành động theo kiểu "chuẩn bị cho chiến tranh với Nga", như lời Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev.
Trong một phát biểu ngày 5-3, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho hay những người tham gia cuộc trao đổi ấy đã sử dụng đường dây "không an toàn", nhưng khẳng định hệ thống liên lạc của Đức không bị xâm hại.
"Hệ thống liên lạc của chúng tôi không bị xâm hại. Nguyên nhân cuộc gọi của không quân bị ghi lại nằm ở một lỗi vận hành cá nhân", Reuters dẫn lời ông Pistorius.
Theo ông Pistorius, nhiều khả năng Nga đã "vô tình" chặn được cuộc gọi của quân đội Đức thông qua hoạt động do thám rộng, chứ không thông qua một gián điệp hoặc việc hệ thống Đức bị xâm hại.
Sĩ quan mắc lỗi trên là một người tham gia cuộc thảo luận của không quân Đức. Cuộc trao đổi này được tổ chức bằng ứng dụng Webex của Mỹ, một nền tảng thường được dùng để họp trực tuyến.
Người tham gia trên được cho đã tham gia khi đang ở Singapore, nơi đang diễn ra một triển lãm hàng không. Sự kiện ở Singapore thu hút nhiều quan chức quân đội châu Âu, và biến nó trở thành mục tiêu cho các cơ quan an ninh Nga.
"Vì thế, chúng tôi giả định rằng việc truy cập vào cuộc trò truyện trên Webex là vô tình, thuộc một cách tiếp cận rộng và phân tán", ông Pistorius nói thêm.
Về Webex, ông Pistorius lưu ý việc sử dụng phần mềm này để trao đổi là thao tác đã được cấp phép, và khẳng định quân đội Đức cũng không dùng bản Webex tiêu chuẩn, đại trà trên thị trường, thay vào đó là một phần mềm được chứng nhận đặc biệt với máy chủ đặt tại các trung tâm điện toán của quân đội Đức trên lãnh thổ Đức.
Đức đang thực hiện nhiều biện pháp kỹ thuật và tổ chức để đảm bảo vụ việc sẽ không tái diễn, ông nói.
Đây là thông tin đầu tiên của phía Đức sau khi nước này nói sẽ điều tra vụ rò rỉ băng ghi âm 38 phút vừa qua, một sự cố trước hết đã làm xấu mặt giới an ninh Đức. Ngoài ra, nội dung bị rò rỉ cũng khiến Đức chịu thêm áp lực trong vấn đề viện trợ Ukraine, đồng thời phải giải quyết khác biệt với hai đồng minh Pháp và Anh.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online