''Tôi cho rằng sẽ là không thực tế nếu cho rằng các lệnh cấm vận chỉ được dỡ bỏ nếu như Thỏa thuận Minsk được thực hiện đầy đủ''
Ngược lối
Theo Reuters, phát biểu tại Ủy ban Kinh tế Đức, Ngoại trưởng Đức Zigmar Gabriel đã lên tiếng kêu gọi châu Âu nói chung và Đức nói riêng không được để nền kinh tế châu Âu và Đức phụ thuộc vào các điều kiện do Mỹ đưa ra mà phải có các phản kháng nhất định.
''Chúng ta ủng hộ cạnh tranh trung thực nhưng không có ý định sẽ phục tùng (Mỹ). Tôi cho rằng châu Âu không được phép để hiện thực hóa chiến lược của Mỹ mà trong khuôn khổ chiến lược này, chúng ta bị coi là đối thủ về kinh tế, và đôi khi là kẻ thù của Mỹ'', Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh.
Theo ông Zigmar Gabriel, một điều rõ ràng không thể chấp nhận được là việc không chỉ các doanh nghiệp Nga mà cả các doanh nghiệp châu Âu đang chịu những thiệt hại đáng kể từ các lệnh cấm vận chống Nga của Mỹ.
''Châu Âu cần phải phản kháng'', ông Zigmar Gabriel tuyên bố.
Ngoại trưởng Đức Zigmar Gabriel muốn gỡ trừng phạt Nga
Theo Ngoại trưởng Đức, Đức không thể để xảy ra tình trạng các đảm bảo pháp lý cho nền kinh tế Đức chỉ được tuân thủ nếu như chấp nhận các điều kiện cạnh tranh do Mỹ đưa ra.
Đức và châu Âu không được quên đi các lợi ích của mình khi chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump với khẩu hiệu ''Nước Mỹ trên hết'' đang đi ngược lại với lợi ích của Đức và châu Âu.
Trước đó, ngay khi ông Trump nhậm chức, cựu Ngoại trưởng Đức Walter Steinmeier cũng nhận định rằng, ông Trump sẽ là dấu mốc cho sự kết thúc của trật tự thế kỷ XXI.
Ông Steinmeier tuyên bố rằng, sau khi ở Mỹ bầu chọn Trump làm Tổng thống, chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ khó lường bởi ít có tính tiên liệu.
Cùng thời điểm đó, không chỉ Walter Steinmeier bày tỏ lo lắng về sự thay đổi đặc biệt trong long nước Mỹ, Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ Đức Zigmar Gabriel (hiện là Ngoại trưởng Đức) coi việc tỷ phú Donald Trump lên nắm quyền ở Mỹ là hệ quả của xu thế "cực đoan nghiêm trọng trong lòng xã hội Mỹ".
Rõ ràng, người Đức không tin tưởng vào các chính sách của Mỹ đối với EU, hay nói thẳng ra là Đức không đặt niềm tin vào Tổng thống Donald Trump.
Sốt sắng gỡ bỏ lệnh cấm vận Nga
Ngoại trưởng Đức cũng lên tiếng chỉ trích các lệnh cấm vận mới chống Nga của Mỹ mà có thể làm thiệt hại đến lợi ích của các doanh nghiệp năng lượng Đức. Ông đưa ra lời đề nghị phối hợp với Liên Hợp Quốc để giải quyết cuộc xung đột giữa Nga với Ukraine.
''Bản thân tôi tin tưởng rằng cuộc xung đột này có thể giải quyết được nhờ lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc'', Ngoại trưởng Đức chia sẻ.
Ngay cả trong trường hợp chính Tổng thống Nga Putin đưa ra sáng kiến này thì sáng kiến này cũng không bị giảm đi tầm quan trọng.
Điều quan trọng là phải thảo luận các điều kiện chi tiết trong quá trình tiến hành hoạt động này và Moscow cần phải thu được lợi ích nào đó từ vấn đề này.
Việc giảm bớt các lệnh cấm vận chống Nga chính là một trong các yếu tố khuyến khích Nga thực hiện động thái này.
, Ngoại trưởng Đức khẳng định.
Thủ tướng Đức Angela Merkel từng nhiều lần khẳng định, việc loại bỏ một số biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ có lợi cho cả Nga và Đức. Bà nói việc trừng phạt Nga ảnh hưởng đến tất cả các nước trong khối EU, Đức "rất muốn", "sớm gỡ bỏ ngay hôm nay" các cấm vận kinh tế với Nga hay "vui mừng" nếu được dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga.
Điều mong muốn trên của Thủ tướng Đức xuất phát ngay từ thực tế rằng kinh tế nước này đang phải gánh chịu những hệ quả của các biện pháp cấm vận kinh tế Nga đáp trả lại.
Việc Đức tỏ ra hăng hái trong việc gỡ bỏ trừng phạt Nga cho thấy, lệnh trừng phạt đang tác động ngày càng sâu rộng tới nền kinh tế không chỉ riêng Đức mà còn cả của các nước EU.
Theo tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức, nghiên cứu mới nhất của viện Kiel về kinh tế thế giới thấy rằng, các hình phạt về kinh tế do EU đưa ra đối với Nga từ ba năm trước đã khiến Đức bị ảnh hưởng rất nhiều.
"Đức chiếm gần 40% tổn thất thương mại xuất khẩu so với các nước phương Tây", nghiên cứu này cho bết. Ngoài ra, viện Kiel còn chỉ ra rằng, xuất khẩu từ Anh sang Nga giảm 7,9%, trong khi đó xuất khẩu của Pháp giảm 4,1%, Mỹ chỉ giảm 0,6%.
Theo ước tính của viện này, xuất khẩu của Đức hiện thấp hơn 618 triệu Euro so với khi các biện pháp trừng phạt chưa được áp đặt. Các nhà phân tích nhấn mạnh rằng, tổn thất xuất khẩu tổng thể do các hạn chế thương mại đã lên con số 37,5 tỷ Euro.
Nguồn: Trung Dũng
Báo Đất Việt