Các tập đoàn truyền thông xã hội lớn sẽ có 24 giờ để xóa tất cả bài viết mang tính chất miệt thị luật pháp Đức sau khi được người dùng đánh dấu, nếu không sẽ đứng trước nguy cơ bị phạt tới 50 triệu Euro.
Chính phủ Đức ngày 5/4 đã thông qua khoản tiền phạt lên tới 50 triệu euro (53 triệu USD) đối với các tập đoàn truyền thông xã hội lớn như Twitter và Facebook nếu những tập đoàn này không xóa đi những tin tức giả mạo và những phát ngôn gây thù hận được người dùng báo cáo trong vòng một tuần.
Chưa dừng lại ở đó, theo thông cáo của Berlin, giám đốc điều hành của những tập đoàn này cũng phải đối mặt với những án phạt riêng lẻ lên tới 5 triệu euro nếu không tuân thủ quyết định xử phạt trên.
Nội các của Thủ tướng Đức Angela Merkel cho hay những hành động mang tính thù hận vẫn chưa được đẩy lùi một cách hiệu quả và đang tạo ra một mối nguy lớn đối với sự gắn kết hòa bình trong một một xã hội tự do, cởi mở và dân chủ.
Foto: The Telegraph
Các tập đoàn truyền thông xã hội lớn sẽ có 24 giờ để xóa tất cả bài viết mang tính chất miệt thị luật pháp Đức sau khi được người dùng đánh dấu.
Những nội dung tiêu cực khác cũng phải được “xóa sổ” trong vòng 7 ngày sau khi nhận được báo cáo.
Ngoài ra, các tập đoàn cũng phải tạo điều kiện để người dùng có thể báo cáo những nội dung vi phạm pháp luật một cách dễ dàng hơn.
Những phát ngôn gây thù hận mang tính chất bài ngoại đã bùng nổ trên mạng xã hội tại Đức kể từ khi nước này mở cửa tiếp nhận khoảng 1 triệu người tị nạn hồi năm 2015.
Trước đó, Chính phủ Đức đã nhiều lần cảnh báo các tập đoàn truyền thông xã hội hành động để kiểm soát tốt hơn những thông tin được đăng tải lên hệ thống của họ và xóa đi những nội dung không phù hợp với luật pháp của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Tuy nhiên, sau khi xem xét thấy rằng những tập đoàn này chưa thật sự nỗ lực, Berlin đã quyết định đưa ra biện pháp cứng rắn hơn.
Ngoài những tin tức giả mạo và những phát ngôn gây thù hận, dự thảo luật của Chính phủ Đức cũng nhắc đến những hành động phi pháp khác như ấu dâm và các hoạt động liên quan đến khủng bố.
Chính phủ Đức cho hay sự thay đổi lớn trong cách thức con người hiện nay giao tiếp trên mạng xã hội, mà đang diễn biến theo xu hướng gây hấn, gây tổn thương và đầy thù hằn, là một trong những nguyên nhân khiến Berlin phải đưa ra những kế sách kiên quyết này.
Nguồn: TTXVN