Kế hoạch hiện đại hóa quân đội với Quỹ đặc biệt 100 tỷ euro được Thủ tướng Đức Olaf Scholz công bố chỉ 3 ngày sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát ngày 24/2. Đây được xem là bước ngoặt trong chính sách an ninh của quốc gia đầu tầu châu Âu sau nhiều thập kỷ “e dè” về mặt quân sự xuất phát từ lịch sử nước Đức trong thế kỷ 20.
Việc Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine đã thúc đẩy chính phủ Đức phải đánh giá lại tình trạng của các lực lượng vũ trang (Ảnh: REUTERS)
Kế hoạch được Quốc hội Đức thông qua ngày 3/6 với 593 phiếu ủng hộ và chỉ có 80 phiếu chống. Tuy nhiên, không có khoản chi nào trong số này liên quan trực tiếp đến việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine mà chính phủ Đức đã cam kết.
“100 tỷ euro là một tín hiệu cần thiết đối với quân đội. Nếu Đức muốn có những binh sĩ có thể triển khai, chúng tôi cũng nên trang bị cho họ tốt nhất có thể”, bà Aylin Matlé, chuyên gia an ninh tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, cho biết. Theo bà, việc mua sắm trang bị cho binh sỹ Đức đã bị trì hoãn trong nhiều thập kỷ.
Phần lớn nhất trong gói chi tiêu sẽ dành cho lực lượng không quân của Bundeswehr với khoảng 41 tỷ euro. Với số tiền này, Không quân Đức có thể mua sắm thêm các máy bay mới, thay thế phi đội máy bay già cỗi hiện có.
Theo DW, trực thăng vận tải hạng nặng Boeing CH-47F Chinook nằm trong danh sách mong muốn của quân đội Đức .
CH-47F Chinook từ lâu đã được Quân đội Mỹ dùng để chuyển quân, vận chuyển phương tiện và các thiết bị khác - một trong những năng lực cần thiết và quan trọng nhất trong các sứ mệnh triển khai ở nước ngoài vì trực thăng không cần đường băng để cất và hạ cánh như máy bay.
Bundeswehr hiện chỉ có các trực thăng CH-53, có tuổi đời khoảng 50 năm và hầu như không có phụ tùng thay thế. Theo các thông tin gần đây, nhiều trực thăng CH-53 đã bị hỏng và chỉ một số ít vẫn còn sử dụng được.
Máy bay chiến đấu F-35, hiện đã được Anh, Hà Lan và các đồng minh khác sử dụng, cũng nằm trong danh sách mua sắm của Quân đội Đức. Bundeswehr muốn mua 35 máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm do nhà thầu Lockheed Martin của Mỹ chế tạo. F-35 dự kiến sẽ thay thế phi đội máy bay chiến đấu-ném bom Tornado cũ kỹ của Đức.
Phần lớn nhất trong gói chi tiêu sẽ dành cho lực lượng không quân (Ảnh: GETTY IMAGES)
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết: “F-35 mang lại tiềm năng hợp tác có một không hai với các đồng minh NATO của chúng tôi. Giống như Tornado, F-35 được thiết kế để nếu cần thiết có thể chuyển vũ khí hạt nhân của Mỹ được cất giữ ở Đức tới các mục tiêu của họ”.
Không phải tất cả các khoản đầu tư đều sẽ nhắm tới các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ. Quỹ đặc biệt của Quân đội Đức dự kiến dành một số tiền khá lớn cho tập đoàn hàng không châu Âu Airbus. Airbus đang được bật đèn xanh tiếp tục phát triển Eurofighter để mẫu máy bay này phù hợp chiến tranh điện tử, trong đó bao gồm việc phát hiện và tiêu diệt radar của đối phương.
Chính phủ Đức đã chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài nhiều năm về việc có đầu tư vào máy bay không người lái (UAV) có vũ trang cho Bundeswehr hay không. Trước đây, phần lớn các thành viên đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Scholz phản đối động thái này. Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine đã khiến những tiếng nói phản đối trở nên bớt gay gắt hơn.
Xung đột Nga-Ukraine cho thấy máy bay không người lái có vũ trang có thể góp một phần quan trọng vào thành công quân sự. Bundeswehr hiện đang tìm mua các loại vũ khí phù hợp để trang bị cho các UAV Heron TP mà Berlin đã đặt hàng từ Israel.
19 tỷ euro trong quỹ đặc biệt sẽ được dành cho hải quân, đầu tư vào các tàu ngầm U12, khinh hạm và tàu hộ vệ, cũng như tàu nhỏ và có khả năng cơ động cao được gọi là “xuồng chiến đấu đa nhiệm”.
Xung đột Nga-Ukraine cho thấy máy bay không người lái có vũ trang có thể góp một phần quan trọng vào thành công quân sự (Ảnh Wikipedia)
Các lực lượng mặt đất sẽ nhận được gần 17 tỷ euro, chủ yếu để nâng cấp các xe thiết giáp chở quân và các phương tiện chiến đấu khác. Về lâu dài, Bundeswehr cũng đang tìm mẫu xe tăng mới để thay thế xe tăng Leopard 2.
Bà Matlé thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức cho biết: “Cũng sẽ có một khoản đầu tư vào vũ khí hạng nặng như xe tăng, nhưng đó không phải là trọng tâm chính. Sẽ có vài tỷ được chi cho công nghệ thông tin liên lạc. Đây cũng là năng lực rất cần thiết trong chiến đấu hiện đại”.
Với tổng cộng 21 tỷ euro chi cho cả 3 nhánh, đầu tư vào công nghệ thông tin liên lạc là hạng mục lớn thứ hai trong quỹ đặc biệt của Đức, trong bối cảnh mối đe dọa tấn công mạng xuất hiện ngày càng nhiều.
Trang bị cá nhân cho binh lính cũng được xúc tiến. Nguồn ngân sách bổ sung cho quân trang dự kiến được cấp trong năm nay.
Các khoản chi tiêu cho lực lượng Lục quân chủ yếu để nâng cấp các xe thiết giáp chở quân và các phương tiện chiến đấu khác (Ảnh Shutterstock)
Nga chỉ trích mạnh mẽ việc Đức thông qua Quỹ đặc biệt 100 tỷ USD nhằm hiện đại hóa quân sự, kế hoạch mà Berlin đã công bố ngay sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Nga cáo buộc Đức khiến an ninh châu Âu rơi vào tình trạng mất cân bằng bằng khi tăng chi tiêu quân sự để đáp trả chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
“Vào thời điểm cần tìm kiếm cơ hội để giảm bớt các mối đe dọa chung, Đức lại đi theo con đường leo thang tình hình quân sự-chính trị trên lục địa châu Âu khi chi hàng chục tỷ euro để tăng cường mua sắm vũ khí”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói.
Quỹ chi tiêu quân sự đặc biệt của chính phủ Đức cũng gây tranh cãi trong nước. Các nhóm hoạt động vì hòa bình phản đối gay gắt. Một số chuyên gia cảnh báo động thái này có thể kích động Nga, tạo ra thêm rủi ro an ninh trong khu vực.
Quỹ chi tiêu quân sự đặc biệt của chính phủ Đức cũng gây tranh cãi trong nước (Ảm: GETTY IMAGES)
Ông Albrecht Mueller, một chính trị gia nổi tiếng của Đảng Dân chủ Xã hội và là trợ lý thân cận của các cựu Thủ tướng Willy Brandt và Helmut Schmidt, cho biết chính phủ đương nhiệm đã hành động mà không có bất kỳ chiến lược nghiêm túc nào.
“Đó không phải là một chính sách khôn ngoan,” ông Mueller trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Anadolu về quỹ đặc biệt của Đức.
Ông Mueller cho rằng Quỹ đặc biệt 100 tỷ euro là một số tiền khổng lồ, gấp hơn hai lần ngân sách của Bộ Quốc phòng Đức cho năm 2021. Các nhà sản xuất vũ khí Mỹ và các công ty quốc phòng từ các nước khác sẽ là những người hưởng lợi lớn nhất từ kế hoạch này. Ngoài ra, động thái này có thể gây thêm căng thẳng với Nga và dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang khác giữa các cường quốc trên thế giới.
Theo ông Mueller, Đức nên tập trung vào ngoại giao và các mối quan hệ láng giềng tốt đẹp thay vì tăng cường chi tiêu quốc phòng.
“An ninh của chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào việc hòa hợp với các nước láng giềng”, ông Mueller nói.
Tuy nhiên, ông Harald Kujat, Tướng nghỉ hưu của quân đội Đức cho rằng, quỹ chi tiêu quốc phòng khổng lồ là cần thiết do những thay đổi lớn trong môi trường an ninh.
“Điều đó hoàn toàn đúng”, ông Kujat nói, đồng thời nhấn mạnh rằng theo hiến pháp, các lực lượng vũ trang (Bundeswehr) phải ở trong vị trí bảo vệ đất nước và liên minh NATO.
Theo ông Kujat, người từng là tham mưu trưởng quân đội Đức từ năm 2000 đến 2002, Bundeswehr trong hơn một thập kỷ chủ yếu tập trung vào các hoạt động triển khai ở nước ngoài như một phần của các nhiệm vụ quốc tế, trong khi khả năng quân sự để phòng thủ quốc gia và liên minh bị bỏ qua do không có bất kỳ mối đe dọa lớn nào ở châu Âu. Với kế hoạch mới của chính phủ, quân đội có thể khôi phục khả năng phòng thủ của quốc gia cũng như liên minh.
“Về cơ bản, đó không phải là một tín hiệu cho Nga hay các quốc gia khác, mà là một tín hiệu cho các đồng minh của chúng tôi, cụ thể là chúng tôi coi trọng việc chia sẻ gánh nặng và đoàn kết với tư cách là hai trụ cột hỗ trợ của liên minh (NATO)”, ông nói.
Quỹ đặc biệt 100 tỷ euro sẽ tăng chi tiêu quân sự hàng năm của Đức từ khoảng 50 tỷ euro lên mức trung bình 70 tỷ euro trong vòng 5 năm. Con số này giúp Đức đáp ứng mục tiêu của NATO là dành 2% GDP cho quốc phòng.
Tuy nhiên, những nhà phê bình như Rüdiger Wolf, cựu Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Đức, nói rằng kế hoạch 100 tỷ euro là chưa đủ. Theo ông Wolf, quỹ này chỉ nên được sử dụng để giải quyết các nhu cầu hiện đại hóa và thiếu hụt thiết bị. Đức nên đạt được mục tiêu 2% thông qua việc tăng thêm ngân sách quốc phòng thường xuyên hàng năm từ 50 tỷ euro lên 70 tỷ euro.
Theo bà Matle, mặc dù Quỹ đặc biệt có thể giúp Đức hoàn thành tốt hơn các nghĩa vụ của NATO, nhưng chỉ tiền thôi sẽ không giải quyết được mọi vấn đề. Các khoản đầu tư phải được gắn vào một chiến lược chính trị vững chắc.
“Hiện giờ chúng ta muốn tập trung hoàn toàn vào mối đe dọa từ Nga, đáp ứng các nghĩa vụ trong khuôn khổ NATO hay có thể cả ở cấp độ EU?”, bà Matle đặt câu hỏi.
Các vấn đề này có thể sẽ được giải đáp trong chiến lược an ninh quốc gia mới mà chính phủ Đức dự định công bố vào năm 2023.
Mặt khác, hiện vẫn chưa rõ bước tiếp theo của Bundeswehr sẽ như thế nào khi khoản quỹ 100 tỷ euro không còn nữa. Ngân sách quốc phòng thường xuyên có thể sẽ gia tăng, nhưng về lâu dài, nguồn ngân sách thường xuyên sẽ không đủ để tiếp tục trả tiền cho các dự án vũ khí tốn kém.
Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner đã nhấn mạnh rằng quỹ đặc biệt của Bundeswehr là “trường hợp ngoại lệ chỉ xảy ra một lần”./.
VOV.VN