Theo một nghị sĩ Quốc hội Liên bang Đức, chính phủ mới của nước này sẽ chú trọng hơn đến vấn đề an ninh mạng, đảm bảo cho mạng lưới thiết bị kết nối Internet (Internet of Things - IoT) an toàn trước nguy cơ bị tin tặc tấn công.
Hiện tại, có rất nhiều thiết bị kết nối internet được cài đặt phần mềm rất dễ bị xâm nhập trước các cuộc tấn công, và chúng có thể bị tin tặc chiếm quyền điều khiển để hình thành "mạng máy tính ma" (botnet) nhằm mục đích tấn công vào các hệ thống khác.
Trên thực tế, việc khắc phục các lỗi này gặp rất nhiều khó khăn, do bản thân người dùng không mấy quan tâm, trong khi các nhà cung cấp không có dịch vụ hỗ trợ sau bán hàng một cách đầy đủ.
Thomas Jarzombek, Người phát ngôn về mảng kỹ thuật số của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel, nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải có trách nhiệm hơn với thế giới IoT”.
Trong một cuộc tấn công quy mô cách đây một năm, các tin tặc đã sử dụng một phần mềm có tên là Mirai để làm tê liệt cấu trúc hạ tầng internet của nhà cung cấp, khiến việc truy cập vào các dịch vụ như Paypal, Spotify, Twitter cùng nhiều website khác bị ngưng trong nhiều giờ.
Giờ đây, các chuyên gia đang cảnh báo về các phần mềm nguy hiểm hơn như Reaper và IoTroop - lây lan thông qua lỗ hổng bảo mật cả về phần cứng và phần mềm trong các thiết bị kết nối internet.
Theo nghị sĩ Jarzombek, Cơ quan quản lý mạng Liên bang Đức sẽ cảnh báo các nhà điều hành mạng nếu phát hiện một thiết bị kết nối nằm trong mạng máy tính ma.
Trong trường hợp cần thiết, cơ quan này có thể được phép tắt thiết bị đó nhằm hạn chế tác hại của các vụ tấn công.
Các nhà cung cấp cũng sẽ được yêu cầu cung cấp các phiên bản cập nhật phần mềm để đảm bảo các thiết bị an toàn trước các cuộc tấn công. Còn đối với người dùng, họ sẽ có quyền đổi sản phẩm khác nếu chúng không an toàn.
Nguồn: TTXVN