Châu Âu cùng lúc gặp nhiều vấn đề về căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, sự chia rẽ về lệnh trừng phạt Nga và phân chia chi tiêu ngân sách sau Brexit.
Đức "triệt tiêu" Anh vì Brexit
Ngày 29/4, tại Brüssel, Bỉ lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu họp thượng đỉnh đặc biệt, nhằm thống nhất quan điểm trước khi bắt đầu đàm phán với nước Anh.
Đây là cuộc họp đầu tiên và sau đúng một tháng kể từ khi nước Anh chính thức kích hoạt thủ tục rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Phát biểu với báo giới trước thềm Hội nghị trên, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble cảnh cáo khó khăn đối với Anh khi muốn ra khỏi liên minh.
"Nước Anh cần phải hiểu rằng họ sẽ không có bất kỳ lợi thế nào trước 27 nước thành viên còn lại trong Liên minh EU sau khi các cuộc thương lượng về việc London ra khỏi mái nhà chung châu Âu kết thúc" - ông Schäuble khẳng định.
Đức cảnh báo Anh sẽ không có lợi gì khi ra khỏi EU. Foto: DPA/ Reuters
Ông nhấn mạnh EU không muốn nước Anh suy yếu, nhưng cũng không muốn phần còn lại của châu Âu suy yếu sau Brexit.
Vì vậy, sẽ không có nước nào được hưởng lợi thế sau cuộc "ly hôn thế kỷ" này.
Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo Anh "không nên ảo tưởng" về tiến trình "ly hôn" và sẽ chỉ "mất thời gian" đàm phán, vì Anh sẽ không có nhiều quyền hơn hay thậm chí không thể ngang bằng so với các nước thành viên khác.
Lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất EU khẳng định cuộc đàm phán Brexit chắc chắn sẽ rất khắc nghiệt.
Các nhà lãnh đạo châu Âu nhất trí sẽ thể hiện quan điểm đoàn kết và cứng rắn nhằm vạch ra "giới hạn đỏ" đối với tiến trình Brexit.
Khó có thể phủ nhận vai trò đặc biệt của Đức trong trường hợp Anh ra khỏi liên minh châu Âu và những quan điểm liên tiếp của quan chức nước này đang cho thấy sự thay thế vị trí của Anh và củng cố vai trò của Đức ở EU càng làm cho tiếng nói của Berlin thêm mạnh mẽ.
Đức định hình quan điểm về Thổ Nhĩ Kỳ và đe dọa an ninh
Đức mới đây kêu gọi châu Âu xem xét lại việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào liên minh kinh tế mạnh mẽ này ở phương Tây.
Ngày 28/4, Đức đã kêu gọi các nước thành viên khác của EU không từ bỏ tiến trình đàm phán kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ làm thành viên, khẳng định Ankara đóng vai trò quan trọng đối với các lợi ích của châu Âu.
Phát biểu tại một cuộc họp của các ngoại trưởng EU ở thủ đô Valletta (Malta), Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nêu rõ Berlin "phản đối mạnh mẽ" việc chấm dứt các cuộc đàm phán về việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng đây sẽ là một quyết định "hoàn toàn sai lầm" và phản tác dụng.
Phản ứng khá mạnh mẽ từ phía Đức khiến nội bộ liên minh EU phân rã quyết định hướng đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Foto: DPA/ Reuters
Còn Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz ủng hộ chấm dứt các cuộc thương lượng về Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU và hối thúc các nước thành viên sớm có quyết định rõ ràng.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho biết ông muốn được người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu giải thích rõ các vấn đề liên quan nhằm tìm ra hướng giải quyết cho các khúc mắc hiện nay.
Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đàm phán về việc gia nhập EU từ năm 2005, song đến nay, các cuộc đàm phán hầu như vẫn giậm chân tại chỗ.
Đặc biệt, chiến dịch vận động cử tri Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ sửa đổi Hiến pháp nước này thời gian qua đã dẫn tới sự bất đồng sâu sắc giữa Ankara và chính phủ nhiều nước châu Âu.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cùng nhiều quan chức hàng đầu nước này từng nhiều lần dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận hạn chế dòng người di cư mà Ankara ký với EU.
Cuối cùng, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini đánh giá, cuộc họp ngày 28/4 sẽ là cơ hội tốt để các nước EU đánh giá tình hình sau cuộc trưng cầu ý dân tại Thổ Nhĩ Kỳ, khẳng định các bên cần một cuộc trao đổi "nghiêm túc, sâu sắc, thẳng thắn và ôn hòa."
Đức không chỉ là bên có sự gia tăng căng thẳng với Ankara trước khi Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi cuộc trưng cầu dân ý cho người gốc Thổ ở các nước châu Âu.
Sự phản đối của Berlin đã nhiều lần khiến Tổng thống Erdogan nổi giận và có các phát ngôn chỉ trích một cách mạnh mẽ.
Nhưng thái độ trái ngược của Ngoại trưởng Đức vừa qua trong việc đánh giá lại đơn thỉnh cầu gia nhập châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là sự nhượng bộ của Đức trước những lợi thế mà Ankara mang lại cho EU.
Đức mang lợi thế kinh tế của châu Âu lại gần với Nga
Thủ tướng Đức Angela Merkel sắp có chuyến thăm nước Nga, gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin và chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh các nền kinh tế lớn G-20.
Thủ tướng Đức thăm Nga để chuẩn bị cho G20. Ảnh: DPA/ Reuters
Chuyến thăm cũng sẽ là dịp để bà Merkel có cơ hội để hàn gắn lại các mâu thuẫn giữa 2 nước vốn đã có từ khi Moscow tuyên bố sáp nhập bán đảo Crimea vào Liên bang nước này hồi tháng 3/2014, làm nảy sinh các biện pháp cấm vận kinh tế đối với Nga.
Hồi đầu tháng 4, phiên thảo luận của các Ngoại trưởng Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) tại Italia đã kết thúc mà không có được sự đồng thuận chung nào về việc có duy trì biện pháp trừng phạt chống Nga hay không.
Đây là một tín hiệu được cho sẽ là tin vui đối với châu Âu khi các biện pháp cấm vận kinh tế Nga trước đó đã đủ gây không ít khó khăn cho chiến lược phát triển kinh tế ở khu vực các nước thuộc EU và gây ra nhiều bất đồng.
Sự lắng nghe khó khăn từ các quốc gia yếu thế hơn chịu ảnh hưởng từ trừng phạt kinh tế Nga cũng như quyêt tâm giải quyết "mớ hỗn độn" mà Mỹ và Ukraine thúc giục xây dựng lên để kiềm chế Nga, Đức đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trong nhiều vấn đề thế giới.
Nguồn: Ngọc Dương
Báo Đất Việt