Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) và Tổng thống Senegal Macky Sall. Ảnh: DW.
Theo báo Deutsche Welle ngày 6/6, Diễn đàn Năng lượng Đức-châu Phi 2022 được tổ chức ở Hamburg hồi đầu tháng này là cơ hội để hai bên thảo luận nhằm tăng cường quan hệ đối tác cùng có lợi. Một trong những chủ đề lớn tại Diễn đàn là về trữ lượng dầu và khí đốt dồi dào của châu Phi.
Năm 2017, châu Phi có trữ lượng khí đốt gần 150.000 tỷ mét khối - chiếm hơn 7% tổng trữ lượng toàn cầu. Năm 2019, Nigeria dẫn đầu về xuất khẩu dầu thô ở châu Phi, với hơn 2 triệu thùng dầu mỗi ngày được bán trên thị trường quốc tế.
Trong cùng năm, sản lượng khai thác dầu khí tổng thể của châu Phi đạt 327,3 triệu tấn. Tính đến năm 2020, đóng góp của châu Phi vào xuất khẩu dầu toàn cầu đạt gần 9%.
Thay thế năng lượng Nga
Với gói trừng phạt thứ sáu của EU nhắm vào dầu mỏ của Nga, Đức muốn giảm nhập khẩu dầu, khí đốt của Nga và đang xem xét nhập khẩu khí đốt từ châu Phi để thay thế. Do đó, Diễn đàn là cơ hội để các công ty quan trọng trong lĩnh vực năng lượng của Đức và châu Phi thiết lập mối quan hệ đôi bên cùng có lợi.
Nhiều công ty Đức muốn tài trợ cho các sáng kiến của châu Phi nhằm sản xuất năng lượng hydro để xuất khẩu sang châu Âu. Trong khi đó, các quốc gia châu Phi cũng muốn tăng cường sử dụng khí đốt. Họ coi điều này như một loại nhiên liệu chuyển tiếp vì khí tự nhiên tạo ra lượng carbon thấp hơn so với nhiên liệu hóa thạch như dầu và than đá.
Ông Ndiarka Mbodji, Giám đốc điều hành của một công ty có trụ sở tại Berlin, chuyên cung cấp các giải pháp năng lượng cho châu Phi, cho biết: “Vì cuộc xung đột ở Ukraine, đa dạng hóa nguồn năng lượng là cần thiết vào lúc này. Châu Phi nắm giữ chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu. Nếu nhìn vào các nguồn tài nguyên của châu Phi, ví dụ như khí đốt, chúng ta không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của khu vực này".
Diễn đàn trên được tổ chức ngay sau chuyến thăm châu Phi của Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào tháng trước, nơi ông Scholz đã ký các thỏa thuận hỗ trợ cơ sở hạ tầng cần thiết để khai thác và xuất khẩu dầu và khí đốt sang châu Âu.
Theo Bộ trưởng Năng lượng Ethiopia, Sultan Wali, các dự án phát triển năng lượng đòi hỏi nhiều vốn và cần có quan hệ đối tác công tư.
Vị quan chức trên nói: “Các chính phủ châu Phi không thể thực hiện những dự án này một mình. Họ cần hỗ trợ tài chính từ Đức và các nước phương Tây giàu có khác. Diễn đàn này sẽ tạo ra một nền tảng vững chắc cho tất cả mọi người".
Tháng trước, Ủy ban châu Âu đã công bố kế hoạch nhập khẩu 10 triệu tấn hydro tái tạo hàng năm để thay thế nhiên liệu hóa thạch trong một số ngành công nghiệp và phương tiện giao thông. Vì vậy, các quốc gia châu Phi rất muốn tham gia một phần vào kế hoạch đó.
Cao ủy Liên minh châu Phi về Năng lượng và Cơ sở hạ tầng Amani Abou-Zeid cho rằng, để châu Âu vượt qua những thách thức an ninh hiện nay, trước tiên họ cần phải đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng. Và điều này có nghĩa là xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ với châu Phi.
“An ninh của châu Âu bây giờ không chỉ là về vũ khí. Đó là về nhiên liệu, là về năng lượng, là về lương thực", Abou-Zeid nói.
Công Thuận
Nguồn: baotintuc.vn