Cuộc trò chuyện kéo dài 74 phút, với nhiều chủ đề từ chính sách năng lượng, bộ máy hành chính của Đức, Adolf Hitler, sao Hỏa cho đến ý nghĩa cuộc sống.
Người giàu nhất thế giới không ngần ngại kêu gọi người dân Đức ủng hộ Đảng cực hữu Đức Alternative für Deutschland (AfD) trong các cuộc bầu cử sắp tới.
Đây là đòn gây tranh cãi mới nhất của tỷ phú công nghệ vào chính trị châu Âu.
Cuộc trò chuyện lần này là kết quả của một quá trình tích lũy lâu nay, khi Elon Musk phải đối mặt với cáo buộc nhúng tay vào cuộc bầu cử sớm của Đức.
Tuy nhiên, cuộc phỏng vấn, diễn ra bằng tiếng Anh, cũng có thể coi là một cơ hội để AfD tiếp cận khán giả quốc tế thông qua nền tảng X của Musk.
Biết là Musk thân thiết với Donald Trump, bà Alice Weidel không quên bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống đắc cử Mỹ và đội ngũ.
Bà Weidel khẳng định đảng của mình là "bảo thủ" và "tự do", chỉ là bị truyền thông chính thống mô tả sai trở thành cực đoan.
Một số thành phần của AfD đã bị chính quyền Đức phân loại là cánh hữu cực đoan.
Một cuộc điều tra của BBC News hồi năm ngoái đã phát hiện các mối liên hệ giữa một số nhân vật trong đảng và các mạng lưới cực hữu, trong khi một nhân vật quan trọng trong cánh cực hữu của đảng, Björn Höcke, bị phạt vào năm 2024 vì sử dụng một câu nói bị cấm của Đức Quốc xã - dù ông phủ nhận làm vậy một cách cố ý.
Trong cuộc trò chuyện, bà Weidel tuyên bố Hitler thực ra là một người "cộng sản", bất chấp việc nhà lãnh đạo Đức Quốc xã này nổi tiếng chống cộng, và đã xâm lược Liên Xô.
"Ông ấy không phải là một người bảo thủ," bà nói. "Ông ấy không phải là một người theo chủ nghĩa tự do. Ông ấy là một người cộng sản, một con người xã hội chủ nghĩa."
Bà cũng mô tả Hitler là một "người xã hội chủ nghĩa chống Do Thái".
Về các vấn đề khác, cả bà Weidel và Musk cùng thảo luận – và đôi khi cười – về hệ thống hành chính quan liêu nổi tiếng của Đức, việc từ bỏ năng lượng hạt nhân "điên rồ", nhu cầu cắt giảm thuế, tự do ngôn luận và "sự tỉnh thức".
Trong một cuộc trò chuyện đôi lúc lúng túng và có phần bất ngờ, một khoảnh khắc kỳ lạ là khi Weidel hỏi Musk liệu ông có tin vào Chúa không.
Câu trả lời – dành cho những ai muốn biết – là Musk cởi mở với ý tưởng này vì ông muốn "hiểu vũ trụ càng nhiều càng tốt".
Mặc dù có rất nhiều mong đợi, cuộc trao đổi của hai nhân vật này chắc chắn không như nhiều người trù tính.
AfD, đảng phản đối viện trợ vũ khí của Berlin cho Ukraine, hiện đang xếp thứ hai trong các cuộc thăm dò tại Đức, khi cuộc bầu cử liên bang dự kiến được tổ chức vào ngày 23/2.
Tuy nhiên, đảng này sẽ không có khả năng lên cầm quyền vì các chính đảng khác sẽ không hợp tác với họ. Nhưng điều đó không ngăn được chuyện Elon Musk ca ngợi bà Weidel là "ứng cử viên hàng đầu để điều hành Đức".
Musk biện minh cho sự can thiệp của mình bằng cách nêu ra các khoản đầu tư lớn của Tesla tại Đức, đặc biệt là nhà máy Tesla khổng lồ gần Berlin.
Ông cũng bác bỏ việc mô tả tính chất của AfD là đảng cực hữu trong khi trước đó ông gọi Thủ tướng Olaf Scholz, thuộc cánh xã hội dân chủ, là "kẻ ngốc".
Cho dù cơ hội tái đắc cử của ông Scholz trông khá mong manh, nhưng thủ tướng Đức khẳng định rằng mình "vẫn giữ bình tĩnh" trước các cuộc tấn công của Elon Musk.
Tuy nhiên, các cuộc can thiệp của tỷ phú công nghệ đã khiến một số lãnh đạo dấy lên lo ngại, họ cảnh báo về sự lan truyền thông tin sai lệch và ảnh hưởng bất chính.
Lãnh đạo châu Âu chỉ trích các cuộc tấn công của Musk
Hiếm có lãnh đạo châu Âu nào cảm thấy bị chỉ trích từ các công kích trên mạng xã hội của Elon Musk nhiều như Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Tỷ phú công nghệ sở hữu nền tảng X đã gọi ông là "kẻ ngốc bất tài" và kêu gọi ông từ chức.
Đối với nhiều chính trị gia Đức, chuyện Musk trò chuyện với bà Alice Weidel có vẻ như là một hành động can thiệp vào chính trị, vì AfD đang xếp thứ hai trong các cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử liên bang diễn ra vào ngày 23/2.
"Bạn phải giữ bình tĩnh," Scholz nói. "Hãy lờ nó đi."
Mặc dù một số lãnh đạo châu Âu, nổi bật là Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, khá quý mến Musk, không ít trong đó lại thấy khó có thể làm ngơ trước bước đi mạo hiểm của vị tỉ phú này đối với chính trị nội bộ của các quốc gia, nhất là khi ông sắp nhận vai trò cố vấn cho ông Trump.
Trong vòng 24 giờ, bốn chính phủ châu Âu đã phản đối các bài đăng của Musk.
Elon Musk đã đầu tư mạnh mẽ vào nhà máy Tesla ở châu Âu gần Berlin.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hôm thứ Hai, là một trong những người đầu tiên bày tỏ sự ngờ vực: "Mười năm trước, ai mà ngờ được chứ, chủ sở hữu của một trong những mạng xã hội lớn nhất thế giới lại ủng hộ một phong trào phản động quốc tế mới và can thiệp trực tiếp vào các cuộc bầu cử, bao gồm cả Đức?"
Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store cũng lên tiếng, nói rằng ông "quan ngại chuyện một người có quyền tiếp cận lớn với mạng xã hội và nguồn tài chính đáng kể lại can thiệp trực tiếp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác".
Người phát ngôn của Chính phủ Tây Ban Nha, Pilar Alegría, cho rằng các nền tảng kỹ thuật số như X cần phải hành động với "sự trung lập tuyệt đối và không can thiệp."
Musk đã nêu bật các số liệu tội phạm ở Na Uy và Tây Ban Nha, và đổ lỗi cho vụ tấn công ở chợ Giáng sinh ở Đức là do "nhập cư ồ ạt không kiểm soát".
Trong mấy ngày qua, Musk đăng nhiều bài tấn công Thủ tướng Keir Starmer và chính quyền Anh về các băng nhóm tội phạm và nạn lạm dụng tình dục trẻ em.
"Những người đang lan truyền những lời dối trá và thông tin sai lệch khắp nơi không quan tâm đến các nạn nhân, họ chỉ quan tâm đến bản thân mình," Thủ tướng Anh phát biểu mà không nhắc đến Musk.
Các quan chức Anh cũng đang giám sát các bài đăng trên mạng xã hội của Elon Musk và những người khác, coi đó như một nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh.
Hai trường hợp ngoại lệ đáng chú ý ở châu Âu là Italy và Hungary.
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã xây dựng mối quan hệ gần gũi với Elon Musk và gọi ông là "thiên tài" và "nhà sáng tạo phi thường".
Bà Giorgia Meloni đã thăm ông Donald Trump tại Florida vào cuối tuần qua - Reuters
Thủ tướng Hungary Viktor Orban, từng gặp Musk khi thăm ông Trump tại Mar-a-Lago hồi tháng trước, chia sẻ chuyện Musk không ưa nhà từ thiện thuộc phái tự do George Soros.
Tuy nhiên, sự can thiệp của vị tỷ phú công nghệ vào chính trị Đức mới là điều gây tranh cãi nhất, vì các cuộc bầu cử sắp diễn ra.
Trong những tuần gần đây, Musk đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ AfD và còn viết một bài gây tranh cãi đăng trên tờ Welt am Sonntag, trong đó ông gọi AfD là "tia hy vọng cuối cùng" cho Đức.
Musk biện minh cho sự can thiệp của mình khi nêu ra khoản đầu tư tài chính của công ty Tesla tại Đức, cho rằng việc miêu tả AfD là cực hữu và cực đoan "rõ là sai lầm" vì bà Alice Weidel có bạn đời cùng giới người Sri Lanka.
Các cơ quan an ninh Đức đã xếp AfD là đảng cực hữu hoặc là đảng tình nghi cực đoan, và các tòa án cũng đã ra phán quyết rằng đảng này theo đuổi các mục tiêu chống dân chủ.
Trong khi ông Olaf Scholz cố gắng giữ bình tĩnh, ứng cử viên thủ tướng từ đảng Xanh, Robert Habeck, thẳng thắn hơn: "Chớ có nhúng tay vào nền dân chủ của chúng tôi, ngài Musk."
Lãnh đạo đảng Tự do FDP, Christian Lindner, cho rằng mục đích của Musk có thể là nhằm làm suy yếu Đức để phục vụ cho lợi ích Mỹ, "bằng cách khuyến khích bỏ phiếu cho một đảng sẽ gây hại cho chúng tôi về mặt kinh tế và cô lập chúng tôi về mặt chính trị."
Cuối tuần qua, cựu lãnh đạo nghị trình kỹ thuật số của Ủy ban Châu Âu, Thierry Breton, đã lên tiếng trên X cảnh báo bà Alice Weidel, ứng cử viên thủ tướng của AfD, là cuộc trò chuyện trực tiếp với Musk sẽ mang lại cho cô "một lợi thế lớn và có giá trị so với các đối thủ của cô."
Ủy ban Châu Âu cho biết các quy định về Dịch vụ Kỹ thuật số của EU không có điều khoản nào cấm việc phát trực tiếp, hay chuyện ai đó bày tỏ quan điểm cá nhân. Tuy nhiên, một người phát ngôn cảnh báo rằng các chủ sở hữu nền tảng không nên "cung cấp sự đối xử thiên vị".
Nền tảng X của Musk hiện đang bị điều tra và EU cho biết buổi phát trực tiếp này cũng sẽ nằm trong cuộc điều tra đó.
Trong khi bày tỏ về chính trị Đức, Musk cũng đang mở rộng các lợi ích kinh doanh của mình tại Italy.
Thủ tướng Giorgia Meloni vừa có chuyến đi chóng vánh đến Mar-a-Lago ăn tối với ông Donald Trump giữa lúc xuất hiện các báo cáo cho thấy Italy đang đàm phán với SpaceX của Musk để ký kết một thỏa thuận trị giá 1,6 tỷ USD, theo đó các vệ tinh Starlink sẽ cung cấp dịch vụ internet và viễn thông mã hóa cho chính phủ Italy.
Thỏa thuận này chưa được hoàn tất và Rome cũng mau lẹ phủ nhận bất kỳ hợp đồng nào đã được ký kết. Hôm thứ Hai, Musk cho biết ông "sẵn sàng cung cấp cho Italy [với] kết nối an toàn và tiên tiến nhất" – tuy nhiên không xác nhận chuyện thỏa thuận đã được đạt được.
Dẫu vậy, chuyện gợi ý Starlink có thể được giao trọng trách bảo vệ các liên lạc của chính phủ Italy đã khiến một số chính trị gia đối lập ở Rome lo ngại.
"Giao cho Musk một dịch vụ nhạy cảm như thế trong khi ông này đang tài trợ cho cánh cực hữu châu Âu, phát tán tin giả và can thiệp vào chính trị nội bộ của các quốc gia châu Âu không thể chấp nhận được," lãnh đạo đảng trung dung Carlo Calenda cho biết.
Nguồn: BBC