Ngày 8/2, Tờ Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ đưa tin Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang soạn thảo chiến lược phản ứng nhanh nhằm đối phó với các phương pháp chiến tranh phi truyền thống của Nga.
Theo WSJ, phương Tây cho rằng Moskva đã sử dụng các biện pháp này ở Crimea và miền Đông Ukraine.
NATO tìm cách đối phó với chiến tranh phi truyền thống của Nga. Ảnh: hurriyet.com.tr
Sự hỗ trợ này sẽ bao gồm việc cử chuyên gia an ninh mạng để ngăn chặn các cuộc tấn công của tin tặc, các chuyên gia truyền thông để chống lại hoạt động tuyên truyền, cũng như triển khai các nhóm quân tiên phong phản ứng nhanh của NATO.
Trong chiến lược mới, NATO, với sự hợp tác với EU sẽ triển khai kế hoạch hỗ trợ các đồng minh "chịu áp lực từ Nga hoặc những nước khác."
Dự kiến, việc soạn thảo chiến lược mới sẽ hoàn tất vào tháng 7/2016, thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh NATO ở Ba Lan.
Chiến thắng tuyệt đối tại Crimea
Thực tế, Nga không phải là nước đầu tiên tiến hành chiến tranh phi truyền thống nhằm giải quyết các căng thẳng, đối đầu hay gây ra những khó khăn bất lợi cho đối thủ.
Thậm chí chính quyền Tổng thống Putin trước đó còn từng bất ngờ trong việc đối phó với các đòn chiến tranh tâm lý, chiến tranh mạng, thông tin mà châu Âu tung ra.
Thế nhưng hiện tại, điện Kremlin đã tận dụng và phát huy triệt để những lợi thế của kiểu chiến tranh phi truyền thống này để giành lấy những lợi thế về tay mình.
Việc sát nhập bán đảo Crimea với hơn 96% sự đồng ý của người dân và duy trì sự ổn định, phát triển đến thời điểm hiện tại được coi là một thành công rất lớn của chính quyền Tổng thống Putin.
Thực tế tại Crimea, ngoài gần 60% người Nga sinh sống, 24% là người Ukraine có xu hướng thân Nga thì còn có 12% là người Tatar và một số cộng đồng dân cư khác sinh sống.
Người dân Crimea vui mừng khi được trở thành một phần của lãnh thổ Nga.
Trước thời điểm chính quyền Putin sát nhập Crimea vào lãnh thổ Nga, người Tatar hầu như bị cô lập trong cộng đồng xã hội bán đảo này nên họ đã thành lập Quốc hội và lực lượng tự vệ có vũ trang riêng để bảo vệ cộng đồng.
Việc nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống trên một lãnh thổ, nếu không giải quyết tốt mối quan hệ sắc tộc, tôn giáo thì những hệ lụy của nó mới là điều làm người Nga lo lắng.
Mặt khác, người Tatar tuân thủ các luật lệ của đạo Hồi - dòng Sunni, đối lập với phần lớn dân chúng Crimea theo Chính thống giáo Nga.
Trong cuộc tranh chấp nước cộng hòa Crimea giữa Ukraine và Nga, người Tatar trong vùng có thể sẽ là bên gánh chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Chính vì thế, nhằm ngăn chặn khả năng phương Tây và Kiev tìm cách lôi kéo người Tatar ở Crimea vào cuộc chiến chống chính quyền, ngay trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra, chính quyền mới đã liên tiếp đưa ra những động thái trấn an tư tưởng và cam kết đảm bảo cuộc sống bình đẳng cho mọi dân tộc ở nước cộng hòa này sau khi sát nhập vào Nga.
Ngày 10/3/2014, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) tạm quyền Crimea Sergey Aksenov đã trân trọng gửi lời mời người Tatar ở Crimea tham gia vào tất cả các cơ quan quyền lực nhà nước tự trị, để xây dựng “một nước cộng hòa Crimea tốt đẹp hơn”.
Chính quyền mới đồng thời cam kết giành cho cộng đồng Mejlis Crimea một ghế phó thủ tướng, hai ghế bộ trưởng và các vị trí cao trong các ban ngành khác.
Với cộng đồng người thiểu số, chưa bằng 1/5 số lượng người Nga và chưa bằng bằng 1/8 tổng dân số, đây có thể coi là một sự “hậu đãi”.
Ngoài ra, đích thân Tổng thống Putin đã điện đàm với nghị sĩ Quốc hội Ukraine - ông Mustafa Dzhemilev - cựu lãnh đạo Hội đồng Mejlis Tatar ở Crimea, người đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về tương lai của đồng bào mình ở bán đảo này để dẹp tan những nghi ngại xung quanh việc trở thành một phần của lãnh thổ Nga.
Nhờ cũng cuộc gặp gỡ, tiếp xúc này mà cộng đồng người dân Crimea hoàn toàn tin tưởng vào chính quyền Tổng thống Putin.
Thậm chí vào thời điểm căng thẳng, mâu thuẫn với Ukraine hay bị Mỹ và phương Tây cấm vận dù người dân bán đảo Crimea chịu nhiều thiệt thòi nhưng họ vẫn hết lòng ủng hộ nước Nga.
Điều đó có thể thấy điện Kremlin đã có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng và áp dụng những biện pháp hợp lòng dân khiến các thế lực thù địch khó lòng có thể chống phá được.
Đảo lộn trật tự chiến trường tại Syria, chiến tranh thông tin
Tương tự với mặt trận Syria. Kể từ khi bắt đầu triển khai quân và vũ khí tiến hành các cuộc không kích IS tại Syria hôm 30/9/2015, Nga hứng chịu nhiều chỉ trích nặng nề từ Mỹ, các nước phương Tây, thậm chí sự hoài nghi của các nước Trung Đông.
Nhưng với sự khôn khéo, linh hoạt trong còn biện pháp chiến tranh phi truyền thống, kết hợp với sự áp đảo trên chiến trường, Nga đã khiến trật tự tại Syria hoàn toàn thay đổi.
Còn nhớ thời điểm đầu, Washington ra sức tố cáo và khẳng định việc Nga đưa quân vào lãnh thổ Damascus sẽ làm gia tăng thêm những căng thẳng, làm tình hình cuộc nội chiến trở nên nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, bằng các đợt không khích của mình, Moskva đã dần lay chuyển quan điểm, lập trường của Nhà Trắng. Không những ghi nhận thành tích mà Nga giành được, Mỹ còn nhiều lần hối thúc Nga tiến hành các cuộc đàm thoại, thảo luận song phương, đa phương bàn về giải pháp chính trị, hòa bình tích cực tại Syria.
Syria cũng là một trong những nơi biện pháp chiến tranh phi truyền thống của Nga đạt hiệu quả rất cao.
Bản thân các nước Anh, Pháp, Đức thời gian đầu cũng không ngừng lên án điện Kremlin.
Tuy nhiên về sau các nước này đã chủ động bắt tay với Moskva để tiến hành các cuộc không kích nhằm vào phiến quân IS.
Việc thay đổi lập trường, quan điểm của Mỹ cũng như các nước đồng minh của nước này được xem như là một thắng lợi lớn của chính quyền Tổng thống Putin trong việc thực hiện chiến tranh phi truyền thống bằng cỗ máy thông tin tuyên truyền.
Ngoài ra, Nga cũng tìm thêm cho mình những nước ủng hộ như: Syria, Iraq, Iran, Arabia Saudi...
Việc các nước này công khai ủng hộ Moskva và tỏ thái độ lạnh nhạt với Washington đã khiến cho cuộc chiến chống IS của Nga tại khu vực Trung Đông trở nên thuận lợi hơn.
Rõ ràng, Moskva đã áp dụng triệt để kiểu chiến tranh phi truyền thống mà phương Tây triển khai trước đó để giáng những đòn mạnh mẽ vào NATO, Mỹ và các nước đồng minh.
Thiên Hoàng (Tổng hợp)