Dù triệu chứng do Omicron gây ra tương đối nhẹ, chính phủ các nước Liên minh châu Âu (EU) vẫn lo lắng về áp lực đối với các bệnh viện và dịch vụ y tế nên tăng cường các biện pháp để buộc người dân tiêm phòng.
Pháp là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi làn sóng Omicron quét qua châu lục này. Nước này hôm 1/1 trở thành quốc gia thứ sáu trên thế giới ghi nhận hơn 10 triệu ca nhiễm.
“Sóng lây nhiễm đã đến, rất lớn, nhưng chúng ta sẽ không nhượng bộ”, Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp Olivier Véran phát biểu trước quốc hội.
Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 trong phòng chăm sóc tích cực tại một bệnh viện ở Bulgaria tháng 10/2021. Ảnh: Reuters.
Italy hôm 5/1 quy định tiêm chủng bắt buộc đối với người từ 50 tuổi, trở thành một trong số ít quốc gia châu Âu bắt buộc tiêm phòng, nhằm giảm áp lực với dịch vụ y tế và giảm số ca tử vong.
“Các biện pháp hôm nay nhằm giữ cho bệnh viện của chúng ta hoạt động tốt, đồng thời giữ cho trường học và hoạt động kinh doanh được mở cửa”, Thủ tướng Mario Draghi nói.
Áo cũng đã công bố kế hoạch bắt buộc tiêm chủng đối với người trên 14 tuổi từ tháng tới, trong khi ở Hy Lạp, tiêm vaccine Covid-19 là yêu cầu bắt buộc đối với người trên 60 tuổi từ ngày 16/1.
Khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đầu tuần này cảnh báo tỷ lệ ca nhiễm tăng cao có thể gây ra tác dụng ngược.
“Omicron càng lan rộng, càng lây truyền và tái tạo thì càng có nhiều khả năng tạo ra biến chủng mới”, Catherine Smallwood, quan chức cấp cao của WHO, nói. “Hiện khả năng gây tử vong của Omicron thấp hơn Delta một chút, nhưng làm gì có ai nói trước được biến chủng mới sẽ thế nào. Ngay cả trong các hệ thống y tế hiện đại, năng lực tốt, nhân viên y tế cũng đang phải vật lộn”.
Nguồn: Vnexpress/Theo Bloomberg, AFP