Theo nhận định của Eurasia Group, những chuyển động địa chính trị toàn cầu, sự yếu kém về chiến lược của các nhà lãnh đạo châu Âu, sự cô lập trong chính sách của Mỹ là ba yếu tố có thể khiến mối quan hệ đồng minh bền chặt giữa Mỹ với EU trở thành “liên minh trống rỗng”.
Các chuyên gia phân tích chính trị Cliff Kupchan và Ian Bremmer của Eurasia Group cho hay, chương trình chính sách đối ngoại được coi là ưu tiên hàng đầu trong các cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ của các ứng cử viên. Tuy nhiên, người ta lại không thấy được vị trí và “bóng dáng” của châu Âu trong chính sách đối ngoại của các ứng cử viên tham gia tranh cử.
“Châu Âu đang bị phân rã, dễ bị tổn thương và yếu đuối trên đôi chân của mình. Các chính phủ châu Âu đang rẽ theo các hướng khác nhau. Xu hướng ly tâm được thể hiện rõ nét ở 3 cường quốc hàng đầu châu Âu là Pháp, Đức và Anh khi các quốc gia này đang đi tìm kiếm các đồng minh về lợi ích riêng của mình”, báo cáo của Eurasia Group nhận định.Chính đặc điểm này khiến châu Âu đang ngày càng nghi ngờ vào vai trò lãnh đạo của Mỹ, nghi ngờ tính chất mối quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương và nghi ngờ vào những giá trị chung mà Mỹ và châu Âu đã xây dựng nên.
Hiện Pháp đang có xu hướng ngả về Nga. Chính phủ Pháp đánh giá chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa lớn nhất đối với toàn bộ châu lục. Do đó, khác với người Anh, người Đức hay người Mỹ, Pháp ngày càng tham gia tích cực hơn vào chiến dịch quân sự chống lại IS ở Syria. Tổng thống Pháp F.Hollande hiện coi Nga như là đối tác quan trọng nhất để đạt được mục đích chính của mình.
Trong khi đó, mục đích chính đối với châu Âu, theo quan điểm của Pháp, là ngăn chặn dòng người nhập cư từ Syria đến biên giới châu Âu. Hơn nữa, sau các vụ khủng bố ở Paris, Tổng thống Pháp lại không đề nghị NATO thực hiện quyền phòng thủ tập thể vì nếu thực hiện bước đi này, quan hệ hợp tác với Moscow sẽ trở nên gần như không thể.
Các chuyên gia cũng đánh giá rằng những lợi ích của Pháp, một quốc gia quan tâm đến các lợi ích riêng của mình, sẽ trùng hợp với tư tưởng của các nhà lãnh đạo châu Âu có tâm lý thân Nga như Viktor Orban (Thủ tướng Hungary) và Aleksis Tsipras (Thủ tướng Hy Lạp). Trong khi đó, Washington chắc chắn sẽ không hành động theo các đồng minh xuyên Đại Tây Dương của mình.
Đến thời điểm này, nhiều thành viên của EU rất muốn khối này dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga bởi kinh tế các nước này cũng phải gánh chịu nhiều thiệt hại do lệnh cấm vận. Tiêu biểu nhất là Pháp, hồi tháng 1/2016, trong chuyến thăm Nga, Bộ trưởng Tài chính Pháp Emmanuel Macron cho rằng EU cần sớm xóa bỏ cơ chế trừng phạt Nga và thay vào đó là cải thiện hợp tác với nước này bởi điều đó sẽ mang lại lợi ích cho cả hai phía.
“Không thể phủ nhận rằng mối quan hệ ngoại giao giữa Nga và Pháp đang được cải thiện trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của EU đang áp dụng với Nga. Chuyến thăm Moscow của tôi là bằng chứng cho thấy Pháp muốn duy trì mối quan hệ và tăng cường hợp tác với Nga. Mục tiêu của Pháp là có thể dỡ bỏ lệnh cấm vận Nga vào mùa hè tới vì thỏa thuận hòa bình Minsk đang được tôn trọng”, ông Macron nói.
Theo Bloomberg, căng thẳng leo thang tại khu vực Trung Đông và cuộc khủng hoảng tị nạn tại châu Âu buộc Liên minh Mỹ-EU phải cân nhắc về lệnh cấm vận lên Nga. Phương Tây cần Nga làm “chìa khóa trung gian ngoại giao” trong giải quyết các vấn đề khủng hoảng trên toàn thế giới.
Một số quan chức cấp cao tại Mỹ và EU nhận xét, quan hệ giữa phương Tây và Nga cần phải được làm "tan băng" trong thời gian tới.
Trả lời tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, Bộ trưởng bộ Tài chính Đức, ông Wolfgang Schaeuble cũng cho rằng EU nên đẩy mạnh hơn quan hệ với Nga để giúp giải quyết cuộc nội chiến tại Syria và làm giảm căng thẳng tại khu vực Trung Đông.
EU bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga từ ngày 31/7/2014 với thời hạn hiệu lực một năm.
Đến nay, EU đã hai lần gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga, trong đó lần gia hạn mới nhất hồi cuối năm 2015, EU đã quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga thêm 6 tháng (đến 30/6 tới) khi cho rằng Thỏa thuận hòa bình Minsk chưa được thực thi một cách toàn diện.
Đáp lại, Nga cũng đã gia hạn các lệnh cấm nhập khẩu lương thực- thực phẩm và nhiều mặt hàng khác từ các nước thành viên EU đến giữa năm 2016.
An Nhiên (Tổng hợp)