Xe của hãng BYD (Trung Quốc) tại một cửa hàng ở Milan (Ý) - Ảnh: REUTERS
Trong tuyên bố đưa ra ngày 12-6, phía Trung Quốc cũng cáo buộc EU vi phạm quy định về thương mại toàn cầu qua động thái tăng thuế nêu trên.
Trước đó trong ngày, EU thông báo sẽ áp dụng các mức thuế bổ sung lên tới 38,1% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Việc tăng thuế này sẽ bắt đầu từ tháng tới, và được cho sớm muộn cũng bị Trung Quốc đáp trả.
Nhiều nước phát triển ở phương Tây đang lo ngại về việc Trung Quốc tăng tốc trong công nghệ xe điện.
Khi áp dụng các biện pháp tăng thuế này, họ lập luận rằng Trung Quốc đang sản xuất dư thừa với sự trợ giúp từ chính phủ, và xe điện "Made in China" sẽ tràn ngập thị trường, ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh chung.
Động thái của EU diễn ra chưa đầy một tháng sau khi Mỹ tăng thuế xe điện nhập từ Trung Quốc lên gấp bốn lần, chạm mốc 100% từ mức 25% trước đó.
Theo EU, sắp tới họ sẽ đặt thuế quan 17,4% lên xe của BYD, 20% đối với xe của Geely, và 38,1% cho xe nhập của SAIC.
Đây đều là các hãng xe Trung Quốc bị cáo buộc sản xuất dư thừa và hưởng trợ cấp quá mức từ Chính phủ Trung Quốc.
Reuters cho hay các mức thuế tạm thời của EU dự kiến áp dụng từ 4-7, và cuộc điều tra chống trợ cấp sẽ tiếp tục tới ngày 2-11. Đây là thời điểm các mức thuế cuối cùng sẽ được áp dụng, và thường sẽ giữ trong 5 năm.
Việc thuế của EU áp dụng ở các mức khác nhau với các hãng Trung Quốc xuất phát từ đánh giá của khối này về mức độ "hợp tác điều tra" của từng hãng. Mức 21% dành cho các công ty đã hợp tác, và 38,1% là mức áp lên những đối tượng không hợp tác, ví dụ SAIC.
Ở hướng ngược lại, Trung Quốc phản đối hành động của Mỹ và EU, khẳng định cuộc điều tra chống trợ cấp thực chất chỉ là "trường hợp điển hình của chủ nghĩa bảo hộ", theo cách nói của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm.
NHẬT ĐĂNG
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online