Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố mức thuế chống bán phá giá mới đối với các sản phẩm ống thép và sắt Trung Quốc.
Theo CNN, đây là nỗ lực mới nhất nhằm chặn dòng chảy kim loại giá rẻ từ quốc gia Đông Á. Cụ thể, EC nâng thuế từ 29% lên 55% với sản phẩm sắt, thép Trung Quốc sau khi cuộc điều tra gần đây cho thấy doanh nghiệp nước này bán phá giá thép đến châu Âu, làm tổn thương các đối thủ cạnh tranh trong khu vực.
Ảnh: Reuters
Đại diện của Hiệp hội Ống thép châu Âu Dominique Richardot cho hay mức thuế mới là “tin rất tốt” vì việc này bằng phẳng hóa sân chơi.
Quan chức Wang Hejun thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, thì cho rằng Liên minh châu Âu (EU) vừa áp dụng cách tiếp cận thiếu công bằng trong cuộc điều tra. Ông Wang kêu gọi EU đối xử công bằng với các hãng Đại lục.
Đây không phải là lần đầu thép Trung Quốc bị cáo buộc bán phá giá trên thị trường quốc tế.
Sự bùng nổ xây dựng của Đại lục trong thập niên qua giúp các nhà sản xuất thép trong nước sống khỏe nhờ nhu cầu nội địa.
Song gần đây, hoạt động xây dựng sôi nổi đã kết thúc, kinh tế Trung Quốc đang trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm hơn. Một số sản lượng sản xuất dư thừa được bán ra nước ngoài với giá rất thấp, làm khó các nhà sản xuất Mỹ, châu Âu.
Châu Âu đến nay đã áp đặt 20 biện pháp tương tự để trừng phạt ngành công nghiệp thép Trung Quốc. EC cho hay: “EU hiện áp dụng một số biện pháp phòng vệ thương mại chưa từng có, nhắm vào việc nhập khẩu không công bằng các sản phẩm thép liên quan đến việc dư thừa công suất và trợ cấp ở Đại lục”.
Vấn đề thép Trung Quốc thể hiện trên thị trường lao động EU. Ngành thép châu Âu đang tuyển dụng khoảng 320.000 nhân công, giảm đáng kể từ mức 415.000 nhân công cách đây một thập niên.
EU không phải là thị trường duy nhất hành động.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tháng trước cho biết ông sẽ điều tra các doanh nghiệp thép nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp thép Đại lục, các bên bị cho là bán phá giá đến Mỹ.
Theo: Thu Thảo - Báo Thanh Niên