G7 tiếp tục loại Nga, các doanh nghiệp Đức phản đốiNhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) duy trì quan điểm loại trừ Nga khỏi cuộc họp thượng đỉnh tuần tới, trong khi hai nhóm doanh nghiệp Đức kêu gọi chấm dứt lệnh trừng phạt này.

 

G7 tiếp tục loại Nga, các doanh nghiệp Đức phản đối_0

Các nước G7 tiếp tục loại trừ Nga khỏi họp thượng đỉnh năm nay. Ảnh: Reuters

Đại diện của Nga không được mời tới tham dự cuộc họp thượng đỉnh của G7 diễn ra trong hai ngày 7-8/6 tới tại Bavaria, Đức. Đây là năm thứ hai Moscow bị loại do cuộc khủng hoảng ở đông Ukraine, theo Reuters.

Việc G7 "tẩy chay" Nga là một trong những biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt với cáo buộc Moscow hỗ trợ các phiến quân đông Ukraine cả về vũ khí và nhân lực, khiến cuộc khủng hoảng ở đây ngày càng tồi tệ. Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ chủ trì cuộc họp G7, cùng sự có mặt của đại diện Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Italy và Nhật Bản.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) hôm 30/5 chỉ trích Nga công bố danh sách cấm 89 chính trị gia khu vực này nhập cảnh, một biện pháp trả đũa từ Moscow.

Tuy nhiên, hai nhóm doanh nghiệp của Đức lại cho rằng G7 nên mời Nga tham dự cuộc họp sắp tới. Ông Eckhard Cordes, Chủ tịch Ủy ban về các quan hệ kinh tế Đông Đức, đại diện cho khoảng 200 công ty đầu tư tại Nga, cho hay việc ngăn Moscow tham dự cuộc họp là "bỏ lỡ cơ hội".

"Một cuộc họp của G7 có sự góp mặt của Nga sẽ đóng góp vào việc giải quyết các cuộc khủng hoảng và thúc đẩy Nga có các bước đi xây dựng trong khủng hoảng Ukraine", Cordes nói với tờ Welt am Sonntag.

Matthias Platzeck, Chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp Đức - Nga kiêm thành viên cấp cao của Đảng Dân chủ xã hội (SPD) của Đức nói đây là lúc mời Nga trở lại với G7. "Các vấn đề ở Trung Đông, Iran, Afghanistan và Syria chỉ có thể được giải quyết cùng với Nga", ông Platzeck nói, cho rằng cuộc chiến chống lại khủng bố toàn cầu có thể thắng lợi với thông tin mật từ Nga.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tháng trước bác bỏ những lời đề nghị mời Nga trở lại với G7, cho rằng không thể có chuyện "bình thường sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea" hồi đầu năm ngoái.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Merkel hôm 11/5 bày tỏ thiện chí muốn cải thiện quan hệ với các nước phương Tây, mặc dù vẫn thể hiện lập trường cứng rắn về tình hình Ukraine.

Khánh Lynh




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC