Giữa hai nước Đức và Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã có các mối liên hệ thương mại chặt chẽ. Cho đến năm nay, số khách từ Đức đã chiếm khoảng 10% khách du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Căng thẳng giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ - hai đồng minh của NATO đã leo thang kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 6 nhà hoạt động nhân quyền, trong đó có công dân Peter Steudtner của Đức về cáo buộc khủng bố.
Tuy nhiên, mối quan hệ song phương cũng đã căng thẳng trong một loạt những vụ bất đồng nghiêm trọng trong năm nay.
Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Nihat Zeybekci đã tìm cách trấn an những căng thẳng đang gia tăng với Đức trong ngày 21/7 khi Berlin cho biết họ đang xem xét tất cả các dự án vũ khí với Ankara.
Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nói với Reuters rằng ông tin rằng cuộc khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ - Đức chỉ là tạm thời.
Nihat Zeybekci cho biết trong một cuộc phỏng vấn: "Họ phải kiềm chế những lời lẽ có thể kéo theo thiệt hại lâu dài ... cho hai nền kinh tế. "Đức phải xem xét lại những ý kiến không phù hợp."
Cảnh báo từ Đức
Đức đã đáp trả gần như ngay lập tức sau những căng thẳng gần đây rằng họ sẽ “xét lại” các dự án vũ khí với Thổ Nhĩ Kỳ.
"Chúng tôi đang kiểm tra lại tất cả các dự án", một phát ngôn viên của Bộ Kinh tế Đức cho biết.
Điều đó có nghĩa là Văn phòng Kiểm soát Kinh tế và Xuất khẩu Liên bang Đức (Bafa) có thể không thể cấp giấy phép xuất khẩu vũ khí mới; dù vậy, các dự án đã được nhất trí sẽ chưa bị ảnh hưởng vì không có lệnh trừng phạt quốc tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble có nhiều quan ngại về quan hệ Đức - Thổ hiện nay. (Nguồn: Reuters)
Năm 2016, chính phủ Đức đã xuất khẩu vũ khí trị giá 83,9 triệu euro cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bốn tháng đầu năm 2017, các đơn hàng trị giá 22 triệu euro đã được phê duyệt - để chuyển giao hàng cho hải quân và cho các dự án chung với các đối tác NATO khác.
Đức cũng đưa ra cảnh báo đi lại đối người Đức đến Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble cho biết.
"Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang bắt bớ và giam giữ không theo các tiêu chuẩn lãnh sự tối thiểu", ông Wolfgang Schaeuble nói với tờ báo Bild.
Đối với vụ bắt bớ gần đây, các quan chức Đức đã bày tỏ quan ngại rằng họ không có quyền tiếp cận toàn quyền với Steudtner- bị bắt với cáo buộc là "khủng bố" – điều mà Berlin đã bác bỏ là vô lý. Một công dân Đức khác cũng bị bắt vì tội liên quan đến chủ nghĩa khủng bố hồi đầu năm nay.
Giám đốc an ninh nội địa của Đức cũng bày tỏ mối quan ngại về các hoạt động gia tăng của lực lượng bí mật của Thổ Nhĩ Kỳ và cho rằng có sự tăng cường các nhóm chiến binh trong số ba triệu công dân Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ đang sống trên đất Đức.
"Chúng tôi biết về ảnh hưởng của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đối với cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ ở đây," Chủ tịch Chủ tịch Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp Liên bang (BfV) Hans-Georg Maassen nói với tờ báo địa phương Neue Osnabruecker Zeitung.
Hệ luỵ khôn lường
Các nhà chức trách Đức đã cấm các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đến nước này trong tháng 3 để tham gia phát biểu tại các cuộc mít tinh ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý mở rộng quyền lực cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.
Trước đó, Đức đã từ chối dẫn độ những người xin tị nạn mà Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đã tham gia vào vụ đảo chính thất bại tại nước này hồi năm ngoái.
Trong khi đó, Berlin đang yêu cầu Ankara thả một nhà báo, người mang hai quốc tịch Đức – Thổ Nhĩ Kỳ, còn Ankara đã nhiều lần từ chối cho phép các nhà lập pháp Đức tới thăm các binh lính nước này ở hai căn cứ không quân tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một động thái khác, theo báo Die Zeit tuần này, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ từ vài tuần trước cũng đã đưa cho Berlin một danh sách 68 công ty Đức, trong đó có hai tập đoàn lớn Daimler và BASF mà Ankara cáo buộc liên kết với giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ - người Thổ Nhĩ Kỳ cho là đứng sau vụ đảo chính thất bại tại nước này năm ngoái.
Tuy nhiên, Reuters dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Simsek ngày 20/7 lại nói rằng thông tin trên là “hoàn toàn sai lầm”.
Giữa hai nước Đức và Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã có các mối liên hệ thương mại chặt chẽ. Cho đến năm nay, số khách từ Đức đã chiếm khoảng 10% khách du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm ngoái, tổng số lượng du khách nước ngoài tới Thổ Nhĩ Kỳ giảm 30% do các vụ đánh bom của người Kurd và các chiến binh Hồi giáo tại nước này, xuống mức thấp nhất trong chín năm qua. Ngành du lịch thường đóng góp khoảng 30 tỷ USD cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ trong một năm.
Đức cũng là đích đến xuất khẩu hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2016 khi đã mua 14 tỷ USD hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ. Berlin cũng là nguồn hàng nhập khẩu lớn thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ, với 21,5 tỷ USD.
Bên cạnh đó, đài truyền hình tin tức n-tv của Đức cũng nói họ sẽ không còn chạy quảng cáo nhằm thu hút đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Diễn biến căng thẳng giữa hai bên có thể sẽ còn phức tạp hơn nữa nếu Đức và Thổ tiếp tục “ăn miếng trả miếng” như hiện tại.
Nguồn: Tổ Quốc/ Reuters