Hy vọng chấm dứt thế bế tắc chính trị nghiêm trọng nhất tại Đức kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đã được hé mở sau khi đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD) của Đức chấp nhận đàm phán chính thức về thành lập liên minh với liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel.
Động thái này đã gỡ "nút thắt" quan trọng, giải tỏa thế bế tắc trên chính trường Đức sau nhiều tháng rơi vào ngõ cụt.
Quyết định tổ chức đại hội toàn quốc lấy ý kiến thành viên trong đảng xem có tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán chính thức thành lập chính phủ đại liên minh với CDU/CSU hay không được SPD đưa ra trong bối cảnh nội bộ đảng này đang có sự chia rẽ sâu sắc về phương hướng hoạt động, nhất là sau thất bại nặng nề của SPD trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9-2017 vừa qua.
Thất bại lịch sử này khiến SPD tuyên bố trở thành đảng đối lập.
Tuy nhiên, trước nhiều sức ép, SPD phải miễn cưỡng quay lại đàm phán thành lập chính phủ liên minh với CDU/CSU. Với tỷ lệ ủng hộ sít sao, các đại biểu dự đại hội đã thông qua thỏa thuận để đảng này bắt đầu đàm phán chính thức về thành lập liên minh với liên đảng bảo thủ CDU/CSU.
Thủ tướng Đức, người đứng đầu liên minh CDU/CSU, bà Angela Merkel (trái) và lãnh đạo SPD Martin Schulz tại Berlin ngày 9-1. Ảnh: TTXVN
Điều đáng nói, trong vòng đàm phán thăm dò và đàm phán chính thức về thành lập liên minh diễn ra 10 ngày trước đó, CDU/CSU đã bước đầu thành công trong thuyết phục đối tác quen thuộc SPD một lần nữa “chung lưng đấu cật” trong một chính phủ “đại liên minh”, như họ đã sát cánh cùng nhau ở nhiệm kỳ 2013-2017.
“Một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với tương lai đời sống chính trị của nền kinh tế lớn nhất châu Âu”, tờ Le Figaro của Pháp nhận định.
Việc SPD nhất trí đàm phán với CDU/CSU đã gỡ được thế bế tắc trên chính trường Đức kéo dài từ nhiều tháng nay.
Gỡ được “nút thắt” này, Thủ tướng Angela Merkel có thể tiếp tục thực thi chính sách kinh tế hiệu quả đã duy trì từ nhiệm kỳ trước.
Trong bối cảnh thế giới có rất nhiều biến động và chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump thực thi chính sách bảo hộ thương mại, kinh tế Đức những năm qua vẫn đạt được những chỉ số ngoạn mục.
Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis), tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế đầu tàu châu Âu đạt 2,2% trong năm ngoái-cao nhất kể từ năm 2011, xuất khẩu tăng 4,7% so với mức tăng 2,6% trong năm 2016 và thặng dư ngân sách đạt 38,4 tỷ euro-tương đương 1,2% GDP. Kinh tế chính là “điểm sáng” giúp liên đảng CDU/CSU về nhất trong cuộc tổng tuyển cử hồi năm ngoái.
Không chỉ giải tỏa căng thẳng chính trị ở trong nước, việc SPD chấp nhận đàm phán cùng với CDU/CSU còn khiến châu Âu, nhất là Pháp, thở phào nhẹ nhõm.
Trục Đức-Pháp luôn thể hiện vai trò đầu tàu trong Liên minh châu Âu (EU), cùng giải quyết các vấn đề phát sinh của khối, từ các cuộc khủng hoảng tài chính, Ukraine, người di cư cho đến việc Anh tuyên bố rời khỏi "mái nhà chung" EU, sự trỗi dậy của những tư tưởng dân túy cực hữu và ly khai…
Thế nên, dù ở giai đoạn nào, Pháp-Đức vẫn là “cặp bài trùng” cùng gánh vác trọng trách trong xử lý các tình huống và vấn đề của EU. Một nước Đức ổn định dựa trên một chính phủ ổn định sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với châu Âu, đặc biệt là công cuộc cải cách EU do Pháp khởi xướng.
Quyết định ngồi vào đàm phán của SPD và CDU/CSU mở ra con đường để thành lập chính phủ Đức trong tương lai.
Song con đường này còn dài và những cuộc đàm phán bây giờ mới thực sự bắt đầu. Khó khăn trong các cuộc đàm phán sắp tới được dự báo là khá lớn khi giữa các bên còn tồn tại nhiều bất đồng về vấn đề người tị nạn, các chính sách liên quan đến thuế hay tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, giáo dục và y tế…
Những vấn đề trên cần phải được các bên tập trung làm rõ, tìm được tiếng nói thống nhất và biến thành chính sách cụ thể của chính phủ mới.
Nếu đàm phán thành công, một chính phủ “liên minh kiểu mới” sẽ có thể được thành lập trước Lễ Phục sinh (ngày 1-4-2018).
Trong trường hợp đàm phán đổ vỡ, nước Đức sẽ-hoặc phải-đối mặt với các cuộc bầu cử mới, hoặc lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai nằm dưới sự điều hành của một chính phủ thiểu số do bà Merkel lãnh đạo.
Đây là điều mà cả CDU/CSU lẫn SPD đều không muốn và các bên sẽ nỗ lực vượt qua những thử thách hiện nay để tiến tới một thỏa hiệp cần thiết.
Nguồn: LINH OANH
Quân đội Nhân dân