Đây là sáng kiến nhằm thể hiện cam kết đưa ra những sản phẩm chất lượng hảo hạng, có giá trị vượt trội và mang đậm niềm kiêu hãnh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Đức.
Sáng kiến “Handmade in Germany” của các nhà sản xuất Đức bao trùm cả những ngành nghề thủ công truyền thống lẫn những ngành hàng sáng tạo đặc biệt. Nó bao gồm cả các xưởng sản xuất nhỏ của các nghệ nhân lẫn những doanh nghiệp gia đình lớn với bề dày truyền thống nhiều thế kỷ.
Những bàn tay tinh hoa, giá trị vượt trội và niềm đam mê với từng chi tiết nhỏ là điểm chung của tất cả những nhà sản xuất này và là những yếu tố mang lại cho các sản phẩm thủ công của họ chất lượng hảo hạng đặc trưng Đức.
Đồ sứ Meissen nổi tiếng. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Sáng kiến “Handmade in Germany” cũng nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Đức với những đặc thù rất riêng, góp phần quảng bá hình ảnh tích cực của nước Đức như là một điểm đến kinh doanh thành công.
“Handmade in Germany” được khởi tạo từ năm 2010 bởi tám thành viên sáng lập, trong đó có những cái tên lừng lẫy như Burmester, nhà chế tạo hệ thống âm thanh hi-end hay Koenigliche Porzellan-Manufaktur Berlin (KPM), công ty sản xuất đồ sứ nổi tiếng, và kể từ đó đến nay đã có số hội viên tăng gần gấp 3 lần.
Bộ khuếch đại âm thanh của Burmester, nhà chế tạo hệ thống âm thanh hi-end. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Tiêu chí quản lý cơ bản nhất là bắt buộc tất cả các hội viên áp dụng quy trình sản xuất thủ công và đặt cơ sở sản xuất trong lòng nước Đức, để thể hiện cam kết về chất lượng cao nhất và để xuất khẩu.
Ngoài ra, còn có các tiêu chí như nhắm tới phân khúc cao cấp của thị trường, sử dụng nguyên liệu chất lượng cao và áp dụng quy trình sản xuất chuyên biệt để đáp ứng những đòi hỏi cá nhân của từng khách.
Xương sống của nền kinh tế Đức
Các ngành nghề thủ công là một khu vực kinh tế đa diện nhất của nền kinh tế Đức và là hồn cốt của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Đức, với các xưởng sản xuất quy mô nhỏ.
Tất cả những chiếc đĩa sứ Meissen đều được vẽ tay. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa lại là xương sống của nền kinh tế Đức, cho ra đời hàng hóa chất lượng vượt trội, các sản phẩm thủ công có giá trị cao, đi ngược lại với xu hướng sản xuất đại trà trên toàn thế giới.
Những sản phẩm thủ công của Đức gây dựng được tiếng tăm cả trong và ngoài nước và thành công trong việc bảo vệ và mở rộng thị phần. Nhiều xí nghiệp thủ công của Đức còn được gọi là “những nhà vô địch giấu mặt”, những nhà dẫn dắt thị trường trong và ngoài nước trong ngành nghề của họ. Phần lớn họ là những công ty có bề dày truyền thống nhiều thế hệ và giữ vai trò quan trọng tại địa phương, nhất là trong tạo việc làm và kích thích kinh tế phát triển.
Mục tiêu của Sáng kiến
Với quan hệ mật thiết cả về truyền thống lẫn lịch sử với cộng đồng địa phương, sự độc lập về nguyên liệu thô chuyên biệt và nguồn lực phục vụ sản xuất, các xí nghiệp này thường ăn sâu bén rễ tại địa phương. Và vì thế, trên hết, họ cần có những sáng kiến phát triển kinh tế để có thể tập trung nhiều hơn vào địa phương, thúc đẩy phát triển tài năng trẻ và củng cố các nguồn lực để sinh tồn và phát triển.
Xưởng sản xuất kính của Mykita ở ngay trung tâm thủ đô Berlin. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Các xí nghiệp này cũng cần được tạo điều kiện và hỗ trợ một cách công bằng trong hoạt động ngoại thương. Về nguyên tắc, các sáng kiến thúc đẩy ngoại thương được áp dụng một cách công bằng đối với tất cả các doanh nghiệp nhưng trên thực tế các chính trị gia thường không chú ý tới tầm quan trọng đặc biệt về kinh tế của các xí nghiệp thường được coi là “những nhà vô địch giấu mặt” này.
Chính vì vậy mà Sáng kiến của các nhà sản xuất Đức cũng nhắm tới việc tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của các xí nghiệp thủ công trong việc hoàn thiện hình ảnh nước Đức như một điểm đến kinh doanh thành công.
Về phương diện này, Sáng kiến tham gia vào các cuộc đối thoại chính trị liên tục với Bộ Kinh tế và Bộ Ngoại giao Đức, tăng cường truyền thông để người ta có thể hiểu rõ hơn về bề dày truyền thống cũng như sức mạnh sáng tạo của các xí nghiệp thủ công Đức.
Sáng kiến này cũng phối hợp chặt chẽ và thúc đẩy giao lưu giữa các nhà sản xuất, các nghệ nhân, nhà thiết kế và phát triển sản phẩm để mở ra những hướng đi mới cho nghề thủ công truyền thống.
Tổ chức và nguyên tắc hoạt động
Theo Luật Thương mại và Thủ công Đức, lĩnh vực thủ công Đức bao gồm hơn 130 ngành nghề thuộc các lĩnh vực như: xây dựng và hoàn thiện nội thất; cơ điện và thợ kim loại; thợ gỗ và nhựa; may mặc, dệt và đồ gia; thực phẩm; chăm sóc sức khỏe và cơ thể cũng như hóa chất và tẩy rửa; và thiết kế đồ họa.
Phòng trưng bày sản phẩm của công ty sản xuất kính Mykita. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Ngoài việc khoanh vùng những ngành nghề nào được coi là nghề thủ công, Luật Thương mại và Thủ công còn quy định điều kiện tiên quyết để các nghệ nhân thủ công được hành nghề là phải qua được kỳ thi sát hạch hoặc có những chứng chỉ đào tạo tương đương.
Ngành thủ công giữ vị trí đầu bảng ở Đức trong đào tạo nghề. Hệ thống đào tạo kép trong lĩnh vực này rất đặc sắc, kết hợp song song học với hành, tức là làm việc trực tiếp tại các xí nghiệp. Sau từ 3 đến 3 năm rưỡi đào tạo, những người thợ thủ công mới hoàn tất được quá trình đào tạo này và thi lấy chứng chỉ thợ thủ công.
Bất cứ người thợ nào cũng có thể tự nâng cao tay nghề của mình và tham dự kỳ thi nghệ nhân thủ công. Đây là kỳ thi công nhận khả năng kỹ thuật và kinh doanh ở bậc đại học và cho phép người thợ thủ công được quản lý doanh nghiệp và đào tạo thợ mới.
Tổ chức các ngành nghề thủ công Đức được chia thành hai trụ cột: Liên minh các Phòng nghề thủ công (tương tự như Phòng Thương mại và Công nghiệp) và Hiệp hội các Liên minh nghề thủ công.
Các Phòng nghề thủ công là các tổ chức phi lợi nhuận theo Luật định và các xí nghiệp thủ công bắt buộc phải là thành viên của các Phòng này. Phòng nghề thủ công cung cấp hàng loạt dịch vụ, từ tư vấn kỹ thuật, tài chính, luật pháp đến đào tạo nghề và các khóa học nâng cao tại các trung tâm dạy nghề riêng của Phòng. Các Phòng chịu trách nhiệm về đăng ký và tổ chức thi lấy chứng chỉ hành nghề.
Họ cũng thực hiện chức năng đại diện cho quyền lợi của các hội viên trong các cuộc đối thoại chính sách với các tổ chức chính trị và với chính quyền. Ở cấp liên bang thì việc này được thực hiện bởi nhóm công tác bao gồm đại diện các Phòng nghề thủ công. Hiện, 53 Phòng nghề thủ công tập hợp lại thành Liên minh các Phòng nghề thủ công Đức (DHKT).
Tồn tại song song với DHKT là Hiệp hội các Liên minh nghề thủ công Đức (UDH). Khác với DHKT, mặc dù cũng là liên minh cấp quốc gia nhưng tư cách thành viên của UDH lại không bắt buộc. UDH đại diện cho quyền lợi của các nhóm chuyên gia hoặc ngành nghề cụ thể. Họ cũng cung cấp các dịch vụ tư vấn, đào tạo và tham gia các cuộc đối thoại chính sách.
UDH bao gồm 36 Hội đồng địa phương các nghề thủ công và 11 hiệp hội chuyên ngành. Ở cấp cao nhất, DHKT và UDH hợp lại thành Liên minh các ngành nghề thủ công Đức (ZDH).
Mục tiêu của ZDH là đạt được sự đồng thuận về tất cả những vấn đề quan trọng trong chính sách liên quan đến ngành nghề thủ công. ZDH đại diện cho quyền lợi chung của cả khu vực nghề thủ công trước Quốc hội, Chính phủ liên bang và các nhà quản lý trung ương, Liên minh châu Âu (EU) và các tổ chức quốc tế.
Ở cấp châu lục, ZDH cũng là thành viên của Liên minh các doanh nghiệp thủ công, doanh nghiệp nhỏ và vừa châu Âu (UEAPME).
ZDH cam kết hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường xã hội, hướng tới một chính sách doanh nghiệp nhỏ và vừa cạnh tranh hiệu quả. Mục tiêu của ZDH là tạo ra một khung pháp lý và chính trị cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có được sự tự do cần thiết để phát triển những tiềm năng của họ.
Dựa trên những định hướng này, ZDH phản đối sự can thiệp quá mức của nhà nước và xâm phạm cơ chế thị trường.
Thu Hằng/BNEWS/TTXVN