Ngày 10/4, hàng nghìn hành khách đã bị mắc kẹt tại nhiều sân bay ở Đức khi các nhân viên mặt đất và người lao động làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ công khác trên cả nước tiến hành đình công đòi tăng lương.
Theo người phát ngôn của Fraport, đơn vị điều hành sân bay Frankfurt, các nhân viên mặt đất của sân bay này đã bắt đầu đình công từ buổi sáng và dự kiến sẽ kết thúc vào tối cùng ngày.
Nhân viên Hãng Air France tuần hành yêu cầu tăng lương tại sân bay Charles de Gaulle ở Roissy, ngoại ô Paris. Ảnh: AFP/TTXVN
Cũng như Frankfurt, các sân bay và dịch vụ hàng không tại Munich, Cologne, Bremen và Berlin cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công này khi có tới hàng trăm chuyến bay trong ngày bị trì hoãn hoặc hủy bỏ, ảnh hưởng tới sự đi lại của gần 100.000 hành khách. Hãng hàng không Lufthansan của Đức cho biết chỉ có 800 trong tổng số 1.600 chuyến bay của hãng này hoạt động, khiến khoảng 90.000 hành khách bị ảnh hưởng.
Theo các hãng truyền thông Đức, không chỉ các nhân viên trong lĩnh vực hàng không, các nhân viên trong nhiều lĩnh vực dịch vụ công khác, trong đó có giao thông đường bộ, hỗ trợ khách hàng, thu gom rác và dịch vụ bể bơi công cộng cũng như chăm sóc trẻ em tại nhiều bang và thành phố ở Đức cũng tuyên bố đình công.
Cuộc đình công trên do Verdi, tổ chức công đoàn ngành dịch vụ lớn nhất ở Đức phát động, là một hoạt động khởi động có tính truyền thống của các công đoàn Đức trước các cuộc đàm phán với giới chủ lao động.
Công đoàn Verdi đặt ra mục tiêu là tăng 6% lương, hoặc tối thiểu 200 euro/ tháng, cho khoảng 2,3 triệu người lao động trên cả nước, những người có hợp đồng lao động từ 12 tháng trở lên. Trước đó, nghiệp đoàn lao động ngành luyện kim của Đức IG Metall cũng vừa đàm phán thành công tăng lương 4,3% cho công nhân ngành luyện kim và kỹ thuật.
Dự kiến, vòng đàm phán cuối giữa công đoàn Verdi, đại diện cho các công chức và nhân viên của chính phủ và chính quyền các thành phố và người sử dụng lao động sẽ diễn ra vào ngày 15-16/4 tới tại Postdam.
Nguồn: TTXVN/Báo Tin tức