Kho vũ khí hạt nhân có thể làm nổ tung cả châu ÂuMới đây, cựu Tổng thống Liên Xô Michail Gorbatschow đã cảnh báo rằng, cuộc xung đột ở Ucraina có thể trở nên không kiểm soát nổi và trở thành một cuộc chiến tranh lớn giữa phương Tây và Nga. Nếu bùng nổ, đây có thể trở thành một cuộc chiến tranh hạt nhân.

 Hiện nay, Chính phủ Đức không thấy cơ hội cho việc sớm rút hết vũ khí hạt nhân của Mỹ ra khỏi nước Đức. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng những nỗ lực để giải trừ quân bị hạt nhân đã trở nên khó khăn do cuộc chiến tranh ở Ucraina. Trong những năm qua, NATO thỉnh thoảng đã từ bỏ một số căn cứ hạt nhân ở châu Âu. Nhưng việc giải trừ quân bị hạt nhân bị dừng lại, do Nga triển khai vũ khí hạt nhân tới Kaliningrad.

Bản thân Đức không tự kiểm soát vũ khí hạt nhân, nhưng trên đất Đức vẫn có đầu đạn hạt nhân. Số đầu đạn hạt nhân này do quân đội Mỹ giám sát và chỉ có thể đưa vào sử dụng theo lệnh của tổng thống Mỹ. Số vũ khí này được tàng trữ ở căn cứ không quân Büchel tại bang Rheinland-Pfalz. Tại đây có 20 quả bom hạt nhân, mỗi quả dài 3,5 m, nặng 500 kg và có sức công phá 300 kiloton, gấp 20 lần so với quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima.

Các chuyên gia ước tính có từ 20 tới 40 đầu đạn hạt nhân ở các căn cứ tại Hà Lan và Bỉ. Một số lượng tương tự được tàng trữ ở hai căn cứ Ý tại Aviano và Ghedi. Căn cứ quân sự Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ là kho vũ khí hạt nhân lớn của NATO, tàng trữ ước tính tới 90 đầu đạn hạt nhân.

Bên cạnh các bom nguyên tử do NATO kiểm soát, các cường quốc hạt nhân như Pháp, Anh và Nga cũng có kho vũ khí hạt nhân riêng của mình.

Pháp có khoảng 300 quả bom hạt nhân, tàng trữ tại ba căn cứ. Anh có khoảng 160 quả bom hạt nhân được tàng trữ ở Faslane thuộc Scốtlen. Hai nước này có máy bay và tàu ngầm để chuyên chở bom nguyên tử.

Nước Nga hiện nay có 1.600 đầu đạn hạt nhân, cường quốc hạt nhân lớn thứ nhì thế giới sau Mỹ. Tuy nhiên, người ta ít biết về các căn cứ quân sự có tàng trữ hạt nhân của Nga. Nhưng cuối năm 2013, Bộ Quốc phòng Nga đã xác nhận rằng tên lửa tầm ngắn có thể mang đầu đạn hạt nhân đã được triển khai tới Kaliningrad của Nga, sát với các nước NATO.

Năm ngoái, Nga cũng đã nhiều lần thử tên lửa hạt nhân liên lục địa có thể lắp đầu đạn hạt nhân. Họ đã phóng một tên lửa RS-24 từ ga vũ trụ Plessezk ở Bắc Nga và một tên lửa loại RS-12M Topol từ vùng Astrachan. Loại tên lửa tầm xa trên 10.000 km này thậm chí có thể bắn trúng các mục tiêu ở Mỹ.

Nếu chiến tranh hạt nhân nổ ra, kho vũ khí khổng lồ của cả hai bên này có thể làm nổ tung châu Âu lên nhiều lần, hoặc thậm chí có thể nhấn chìm cả thế giới.

Minh Thi
Theo Bild/ Thoibao.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC