Nhiều người tin rằng sức chịu đựng của người Đức đã đến giới hạn, cuộc sống của họ đã xáo trộn quá nhiều sau khủng hoảng nhập cư 2015.
Cảnh sát lại đang phải triển khai mạnh mẽ tại thành phố Cottbus, và họ đã phải không ngừng tăng cường làm điều này từ sau khi vụ tấn công bằng dao khiến công chúng hoảng sợ xảy ra cách đây không lâu.
Ngay cả trong những ngày bình thường, luôn có khoảng 10 nhân viên cảnh sát với đầy đủ vũ khí đứng chặn tại trung tâm thương mại Blechen-Carré trung tâm phía đông của thành phố Cottbus. Họ yêu cầu kiểm tra thẻ căn cước, lục ballo và phải cưỡng chế để kiểm tra vũ khí của một số thanh niên trẻ.
Nhiệm vụ của họ rất rõ ràng: ngăn chặn tình trạng bạo lực và giúp trấn an người dân rằng chính phủ luôn quan tâm đến sự an toàn của họ.
Cảnh sát tại Cottbus - Ảnh: Financial Times
Từ đầu năm nay, nhiều người dân Cottbus không khỏi cảm thấy bất an khi có quá nhiều những vụ đụng độ giữa người dân địa phương và những người tị nạn tại thành phố nằm cách Berlin 125 km về phía Đông Nam này.
Câu chuyện ở thành phố Cottbus có thể coi như đại diện cho rất nhiều thành phố khác tại Đức, theo khẳng định của Financial Times.
Ngay ngày đầu năm mới, một nhóm thanh niên Đức đã đột nhập vào một khu trại tị nạn và tấn công một số người Afghanistan.
Ngày 17/1/2018, một người tị nạn Syria cầm dao đâm vào mặt một cô gái người Đức 16 tuổi. Vài ngày sau đó, một người tị nạn Syria cầm dao đâm vào một cặp đôi người Đức nhưng rất may hắn ta đã bị khống chế trước khi kịp tấn công.
Người Đức không khỏi cảm thấy mệt mỏi.
Thành phố của họ cũng cần phải có không gian để thở, người dân cần phải được hưởng sự bình an và yên tĩnh.
Tại nhiều thành phố lớn như Berlin hay Hamburg, những vụ việc kiểu như trên đã trở thành quá bình thường và không còn ai chú ý mấy. Thế nhưng tại Cottbus, thành phố nhỏ chỉ với 100 nghìn dân, những vụ việc như vậy không khỏi khiến người dân phẫn nộ.
Đã có không ít những lời kêu gọi biểu tình, nhiều người dân kêu gọi chính phủ không chấp nhận thêm người nhập cư vào thành phố.
Nhu cầu này của người dân đã được chính quyền thành phố đáp ứng thế nhưng căng thẳng không vì thế mà giảm bớt.
Hơn hai năm sau khi chính phủ Đức mở cửa đón 1 triệu người tị nạn, tại Cottbus người ta vẫn tranh cãi nhau về việc có nên mở cửa đón người tị nạn hay không và nên làm gì với họ.
Và người ta vẫn không ngừng chỉ trích nhau. Nhiều chính trị gia và những nhà vận động xã hội chỉ trích Thủ tướng Angela Merkel rằng bà đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng vào năm 2015.
“Những gì bạn chứng kiến tại Cottbus giờ đây là kết quả của việc di dân ồ ạt. Nhiều khu vực công cộng đã không còn an toàn nữa. Nguyên nhân của tất cả những vấn đề này chính là việc chấp nhận nhập cư mất kiểm soát và rất nhiều người nhập cư đó từ chối không chịu hòa nhập vào với xã hội hoặc họ cũng mất khả năng hòa nhập với xã hội.
“Họ đã tạo ra một bầu không khí sợ hãi. Và cả chính những người nhập cư cũng sợ hãi. Điều đó không có nghĩa là ai cũng cần phải mang dao theo mình nhưng không thể hết được sự lo lắng”, phát ngôn viên của tổ chức Cottbuser Aufbruch, ông Lothar Judith, nhận xét.
Một trong những quan chức trong chính quyền thành phố Cottbus, ông Holger Kelch, lo lắng về việc hình ảnh của thành phố trong mắt người dân Đức trở nên xấu đi khi hàng loạt phương tiện truyền thông đưa tin về vụ tấn công bằng dao ở Cottbus.
Và cũng theo ông Ketch, việc đón quá nhiều người nhập cư đã gây sức ép lên hạ tầng của thành phố và nhiều khi đẩy sức chịu đựng của hạ tầng thành phố lên kịch ngưỡng:
“Chúng tôi không thể làm gì hơn được nữa, thành phố của chúng tôi cũng cần phải có không gian để thở. Chúng tôi quá thiếu hạ tầng và cả tiền để đáp ứng cho những thay đổi mới.”
Theo các số liệu thống kê chính thức, hiện nay tại Cottbus, người nước ngoài chiếm 8,5% dân số, không phải tỷ lệ cao so với những thành phố ở Tây Đức.
Thế nhưng tỷ lệ tăng trưởng của số lượng người nước ngoài tại thành phố Cottbus vô cùng ấn tượng.
Trước cuộc khủng hoảng di cư năm 2015, tỷ lệ người nước ngoài ở thành phố này mới chỉ ở mức 4,5%. Trong hai năm qua, khoảng 3.400 người tị nạn từ Syria đã đến Cottbus, rất nhiều người trong số họ hiện đang sống tại những tòa nhà cũ trong thành phố.
Tại nhiều lớp học tại Cottbus, có lớp đến một nửa là con của người nhập cư. Vì quá thiếu hạ tầng và nhân lực đáp ứng cho lượng lớn người nhập cư mới đến, rất nhiều trẻ em nhập cư đến trường mà không biết dù một chữ tiếng Đức.
Trên phương diện chính trị, khi căng thẳng liên quan đến vấn đề nhập cư tăng cao, đảng phái hưởng lợi nhất chính là AfD, đảng này ngày một mạnh hơn tại khu vực Đông Đức.
Trong cuộc bầu cử tháng 9/2017 vừa qua, đảng AfD đã giành được 24% số phiếu tại Cottbus, cao hơn bất kỳ đảng nào khác tại Đức.
Giờ đây, đảng AfD đang đặt mục tiêu cao hơn: chiến thắng trong các cuộc bầu cử địa phương năm nay và năm 2019.
Lãnh đạo đảng AfD tại thành phố Cottbus, bà Marianne Spring-Räumschüssel, khẳng định rằng hàng loạt những vụ tấn công bạo lực trong những tuần gần đây đã thay đổi quan điểm và hành vi của nhiều người dân trong thành phố:
“Tôi không phải người hay sợ hãi thế nhưng giờ tôi cảm thấy mất an toàn hơn nhiều so với trước đây. Nhiều người nghĩ rằng có lẽ khả năng chịu đựng của thành phố đã đến giới hạn.”
Và không chỉ riêng người dân địa phương cảm thấy bất an. Nhiều người nhập cư cũng cho biết họ không còn cảm thấy thoải mái tự do đi lại ở Cottbus mà không cần phải lo lắng về rủi ro bị tấn công.
Nguồn: TRUNG MẾN
BNEWS