Kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng trại tập trung AuschwitzAuschwitz là trại tập trung lớn nhất của phát xít Hitler trong đại chiến thế giới lần thứ hai. Ngày 27.01.1945 Hồng quân Liên Xô đã tấn công và cứu thoát những người còn sống sót ở địa ngục trần gian này. Hôm nay là ngày kỷ niệm 70 năm sự kiện có một không hai trong lịch sử.

 Đó là một địa danh gần thành phố Krakau miền nam Ba Lan. Phát xít Hitler đã dựng lên trại tập trung này năm 1940 và chỉ trong vòng hơn bốn năm, 1,1 triệu người đã bị giết hại ở đây, trong đó phần lớn là người Do Thái sống ở châu Âu (một triệu người). Số còn lại là người Roma, người Sinti, người đồng tình luyến ái và người Ba Lan.

Hệ thống khủng bố của phát xít đã dựng lên ở châu Âu thời đó 24 trại tập trung chính và khoảng 1000 trại phụ. Chỉ trong vòng mấy năm đại chiến, hơn sáu triệu người Do Thái đã bị sát hại trên đất châu Âu. Kể từ năm 1996, nước Đức lấy ngày 27.01 làm ngày tưởng niệm những nạn nhân của chính sách hủy diệt trong chế độ Hitler. Tháng 11/ 2005 Liên Hiệp Quốc cũng quyết định lấy ngày này làm ngày tưởng niệm trên phạm vi toàn thế giới.

Đến dự lễ tưởng niệm năm nay có Tổng thống Đức Joachim Gauck, Thủ tướng Angela Merkel, Chủ tịch quốc hội Norbert Lammert và những nguyên thủ quốc gia hoặc đại diện của 40 nước trên thế giới cũng như những người còn sống sót ở chính trại này.

 Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Gauck nói rằng, nếu nói đến bản sắc Đức thì không được phép quên Auschwitz. Việc tưởng niệm nó là nghĩa vụ của tất cả mọi công dân đang sống trên đất Đức. Đó là một phần lịch sử của đất nước này. Còn chủ tịch quốc hội Lammert phát biểu rằng, những người thuộc thế hệ sau tuy không phải chịu trách nhiệm về quá khứ, nhưng phải có thái độ lên án nó, để không bao giờ và không một nơi nào trên trái đất phải chịu khổ đau như thế nữa. Liên quan đến trách nhiệm lương tâm, ông muốn nhắc nhở ý thức của người Đức phải luôn tỉnh táo và có thái độ cụ thể trong hiện tại để việc bảo vệ quyền lợi của tất cả mọi người đang sống trên đất Đức, vì theo kết quả điều tra dư luận của viện Bertelsmann, 80% người Đức muốn câu chuyện buồn này trôi vào dĩ vãng.

 Những người tổ chức đã mời khoảng 300 người còn sống sót sau vụ thảm sát đến dự. Ba người đại diện cho họ sẽ phát biểu trong buổi tưởng niệm này. Họ bị giết bằng hơi ngạt, tra tấn, bắn, lao động khổ sai đến kiệt sức, bệnh tật, chết đói, chết rét…. Rất đáng tiếc, Tổng thống Nga Putin không được mời đến dự sự kiện trọng đại của năm nay, ngày thứ ba, 27.1.2015, bẩy mươi năm ngày Auschwitz được giải phóng.

Mai Lan.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC