"Thời kỳ trăng mật" của Thủ tướng Olaf Scholz kết thúc khi lập trường của ông về cuộc khủng hoảng Ukraine không được ủng hộ từ cả đồng minh lẫn cử tri trong nước.

Tân Thủ tướng Olaf Scholz, người vừa tuyên thệ nhậm chức cách đây chưa đầy hai tháng, bị Kiev và các đồng minh Đông - Trung Âu chỉ trích khi ông bám sát lập trường của Đức trong việc hạn chế xuất vũ khí đến khu vực khủng hoảng, đồng thời chậm trễ đưa ra các khả năng trừng phạt Nga nếu Moscow tấn công Ukraine.

Tuy nhiên, trong tuần này, ông Scholz đối mặt những lời chỉ trích tương tự từ Berlin, theo Guardian. “Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi các đồng minh coi thái độ của Đức là không đáng tin cậy?”, chính trị gia đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đặt câu hỏi trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình Đức vào tối 2/2.

Khi ông Scholz phủ nhận, người dẫn chương trình đã ngắt lời thủ tướng, chỉ ra ngay cả đại sứ Đức tại Mỹ cũng cảnh báo "Đức đang gặp vấn đề".

Dù người tiền nhiệm Angela Merkel hiếm khi được ca ngợi với tư cách là một nhà hùng biện, ông Scholz “dường như muốn vượt qua bà trong 'nghệ thuật biến mất'”, tờ Der Spiegel của Đức mỉa mai. Bài báo mô tả màn trình diễn của người kế nhiệm bà Merkel trong vài tuần qua là “gần như vô hình, không nghe được” tiếng nói của tân thủ tướng.

Xếp hạng chấp thuận sụt giảm

Một cuộc khảo sát của Infratest Dimap công bố hôm 3/2 cho thấy sự ủng hộ dành cho đảng SPD của ông Scholz giảm xuống 22%, bị Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) vượt qua với 27%. Xếp hạng chấp thuận cá nhân của ông giảm 17 điểm % trong cùng một cuộc thăm dò.

Một yếu tố làm suy yếu quyền lực của thủ tướng là hành vi của cựu Thủ tướng Gerhard Schröder, người liên tục bình luận về các vấn đề toàn cầu trong vai trò chủ tịch của công ty năng lượng Nga Nord Stream và Rosneft.

Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông Scholz đã làm rõ ràng rằng mình không nghe theo lời khuyên của cựu thủ tướng. “Nếu tôi hiểu đúng hiến pháp của nước Cộng hòa Liên bang Đức, thì chỉ có một thủ tướng và đó là tôi”, ông Scholz tuyên bố.

1 Ky Trang Mat Cua Tan Thu Tuong Duc Da Het

Thủ tướng Đức mới nhậm chức được 2 tháng đã nhận chỉ trích từ cả trong lẫn ngoài nước. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, một yếu tố khác giải thích cho vấn đề của nhà lãnh đạo Đức là việc ông phải cân bằng những quan điểm mâu thuẫn về nước Nga của công chúng Đức.

Theo truyền thống, người Đức xác định Mỹ là đối tác quan trọng nhất của họ. Một cuộc khảo sát vào tháng 11/2021 của Quỹ Körber cho thấy niềm tin của người Đức trong việc hồi sinh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sau cuộc bầu cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Dưới 5% những người được khảo sát tin rằng Nga là đối tác quan trọng.

"Người dân Đức không coi Nga là mối đe dọa"

Tuy nhiên, nhìn chung, công chúng Đức cũng không coi nước Nga dưới thời ông Vladimir Putin là mối đe dọa trực tiếp. Trong cuộc thăm dò tương tự, được thực hiện trước khi quân đội Nga tăng cường ở biên giới Ukraine vào tháng 12/2021, chỉ có 16% người Đức nhận khảo sát xác định Nga là mối đe dọa đối với các giá trị của Đức. Hơn 80% nói rằng Moscow là mối đe dọa nhỏ hoặc không phải mối đe dọa.

Trong cuộc xung đột ở biên giới Ukraine, tính yêu chuộng hòa bình của người Đức không chỉ đơn thuần là một thỏa hiệp chính trị và đồng thuận giữa các đảng. Cuộc thăm dò dư luận của Infratest Dimap cho thấy đa số ủng hộ việc bảo đảm an ninh cho Nga từ NATO, thậm chí khá nhiều người chống lại các lệnh trừng phạt kinh tế.

Về nguyên tắc, việc hạn chế xuất khẩu vũ khí vào các vùng khủng hoảng không chỉ được ủng hộ bởi mọi đảng trong Hạ viện mà còn cả 71% đa số cử tri.

Xu hướng này thậm chí còn thể hiện rõ rệt hơn ở thế hệ lớn tuổi và những người sống ở các vùng phía đông của Đức. Cuộc khảo sát của Forsa công bố trong tuần này cho thấy 43% những người sống ở vùng Đông Đức cho rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm về khi xung đột gia tăng ở miền Đông Ukraine, trong khi chỉ 32% đổ lỗi cho Nga. Ở miền Tây nước Đức, 52% cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm, trong khi chỉ 17% nói vấn đề nằm ở Mỹ.

2 Ky Trang Mat Cua Tan Thu Tuong Duc Da Het

Một đoạn đường ống Nord Stream 2 tại Lubmin, Đức. Ảnh: Bloomberg.

Giữ cân bằng và làm hài lòng những quan điểm khác biệt như vậy là một vấn đề đặc biệt quan trọng đối với Scholz và đảng của ông. SPD hiện quản lý tất cả năm bang của miền Đông cũ, nơi những người đứng đầu có ảnh hưởng tại Bundesrat, thượng viện của Quốc hội Đức.

Một trong những bang này, Mecklenburg-Vorpommern - nơi SPD chiếm cảm tình trong cuộc bầu cử năm ngoái - là khu vực có đường ống dẫn dầu Nord Stream 2 đến từ Nga. Dự án cơ sở hạ tầng đã hoàn thành nhưng chưa được phê duyệt, và bị hầu hết châu Âu chỉ trích vì khiến Đức phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Tuy nhiên, Nord Stream 2 lại được nhiều người dân địa phương biết tới và nhận được sự ủng hộ từ các chính trị gia SPD trong khu vực.

Tuy nhiên, hành động "biến mất" của ông Scholz sẽ không làm hài lòng những cử tri này, theo Liana Fix, chuyên gia về Nga của Quỹ Körber.

“Những gì chúng tôi nhận thấy khi khảo sát công chúng Đức về thái độ đối với Nga là vấn đề quan trọng: Mọi người không thích cảm giác làm tâm điểm của sự bàn tán", Fix nói với Guardian.

“Các cử tri Đức có thể không muốn Đức cung cấp vũ khí, nhưng họ muốn nhà lãnh đạo nỗ lực ngoại giao. Và đó là điều ông Scholz nên kiểm soát được".

Theo: ZING.VN




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC