Người Đức nói chung đã phải thốt lên những lời bàng hoàng, cảm giác xấu hổ trước những sự kiện vừa xảy ra với người xin tị nạn.
Cho đến ngày hôm nay, nhiều người Đức vẫn đang tự hỏi chuyện gì đã xảy ra ở nhiều địa phương thuộc miền đông nước này.
Giọt nước làm tràn ly khiến nhiều tờ báo Đức phải gọi là “nỗi xấu hổ” chính là việc tòa nhà ở Bautzen dùng làm chỗ tạm trú cho người xin tị nạn đã bị đốt trước sự hoan hỉ của hàng chục người vây quanh.
Bautzen là thành phố nhỏ với hơn 40.000 dân, nằm gần thành phố Dresden - thủ phủ của bang Sachsen.
Tiếp đó, khi xe cứu hỏa đến đã có hàng chục người đứng ra ngăn cản việc chữa cháy.
May mắn là không có người thiệt mạng trong vụ việc xảy ra tối 20-2 vừa rồi.
Tờ nhật báo ở Berlin là Berliner Zeitung phải thốt lên rằng: “Chuyện mới là người ta reo hò khi nhà cháy”.
Vụ việc ở Bautzen là mới vì chỉ hai ngày trước đó, cũng ở bang Sachsen nhưng tại địa phương khác là Clausnitz, cũng xảy ra vụ việc liên quan người xin tị nạn.
Cả trăm người dân địa phương đã tìm cách ngăn cản chiếc xe buýt chở người Syria và Iraq đến một nhà tạm trú. Họ hô hào những khẩu hiệu khiến người Đức phải thấy xấu hổ như “Cút đi!”, “Về nước chúng mày đi!”...
Khi cảnh sát đến giải quyết vụ việc lại xảy ra một sự cố càng gây bất bình. Hình ảnh ghi lại cho thấy cảnh sát lúng túng trước sự phản ứng của nhóm người biểu tình và sau đó một viên cảnh sát địa phương lại dùng vũ lực lôi một thiếu niên nhập cư xuống xe buýt.
Vụ việc chưa dừng lại ở đó, truyền thông điều tra thêm thì biết người quản lý tòa nhà dành cho người tị nạn ở Bautzen thuộc Đảng AfD có chủ trương chống người tị nạn!
Trước phản ứng của dư luận, ngay ngày hôm sau viên quản lý này đã bị sa thải.
Các vụ việc bạo lực chống người xin tị nạn chỉ xảy ra chủ yếu ở các địa phương phía Đông Đức khiến giới chức lãnh đạo chính trị và giới nghiên cứu nhớ lại tình hình tương tự xảy ra sau khi Đức thống nhất.
Vụ việc xảy ra tháng 8-1992, một tòa nhà cho người nhập cư ở Rostock bị tấn công và phóng hỏa trước sự hò reo của đám đông lên đến 3.000 người.
Trong các vụ mới này, người ta cũng cho rằng Thủ tướng Angela Merkel có vẻ đang lúng túng vì bà chỉ phát ngôn thông qua thư ký với những lời lẽ kiểu như “cảm thấy xấu hổ ghê gớm” và lên án đám đông chống người nhập cư là “hèn nhát và vô cảm”.
Sự thật là số vụ việc tấn công người nhập cư xảy ra khá nhiều ở bang Sachsen với 47/231 vụ được ghi nhận từ đầu năm đến nay.
Chính trị gia Wolfgang Thierse, cựu chủ tịch Hạ viện Đức, nhìn nhận: “Lòng thù hận và bạo lực thể hiện rõ hơn ở phía Đông Đức và ở đó niềm tin vào dân chủ và đạo đức cũng yếu kém hơn so với bên Tây Đức”.
Thực tế cũng cho thấy những đảng cực hữu ở bên Đông Đức được ủng hộ nhiều hơn như các đảng AfD, NPD (có tư tưởng tân phát xít) hoặc Pegida (chống Hồi giáo, ra mắt tại Dresden cuối năm 2014).
Sự kéo đến ồ ạt của người tị nạn cũng gần như tỉ lệ thuận với số vụ tấn công bài ngoại tại Đức. Số vụ trong năm 2015 đã lên đến số ngàn, gấp đôi số vụ của năm 2014.
Vụ việc ở Bautzen tuy vậy được tờ Spiegel mỉa mai gọi “Đó là ngày cuối tuần bình thường ở Sachsen”, vì cũng tối cuối tuần đó đã xảy ra vụ một chủ nhà hàng người gốc Thổ bị ba kẻ bịt mặt tấn công hay một người Đức đeo túm râu mũi kiểu Hitler đã tấn công hai người Afghanistan.
Các lãnh đạo chính trị Đức trong tuần này đã lên tiếng khẳng định sẽ nhanh chóng giải quyết những hành vi xấu xí ở Sachsen với sự hỗ trợ của cảnh sát và các nhóm xã hội.
Nhưng hậu quả trước mắt rõ ràng là những hình ảnh phân biệt chủng tộc đã lan tràn khắp thế giới, làm ảnh hưởng đến những gì bang Sachsen đã làm được nhiều năm qua là tạo dựng một câu chuyện thành công trong lĩnh vực kinh tế.
EU bị chỉ trích vì chính sách với người nhập cư
Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) vừa chỉ trích mạnh mẽ cách xử lý cuộc khủng hoảng di cư của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Trong báo cáo thường niên, AI đã đề cập việc một số quốc gia EU tham gia Hiệp ước Schengen gần đây đã tái áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn làn sóng người di cư và tị nạn lớn chưa từng có.
Tổng thư ký AI, ông Salil Shetty, nhấn mạnh việc EU - liên minh thịnh vượng nhất hành tinh - không thể chăm lo các quyền lợi cơ bản cho hầu hết những con người bị ngược đãi trên thế giới là điều thật “đáng hổ thẹn”.
Ông kêu gọi liên minh 28 quốc gia thành viên thiết lập những lộ trình an toàn và hợp pháp giúp những người khốn khổ đang tìm đường tới châu Âu, đồng thời cho rằng cần dựa trên từng hoàn cảnh để đối xử phù hợp với họ, thay vì áp đặt “hình phạt tập thể” như hiện nay.
Nhưng một thực tế không thể chối cãi là nhiều nước vẫn chọn giải pháp kiểm soát chặt biên giới để đảm bảo an ninh trước mắt.
Từ ngày 24-2, chính quyền Bỉ đã tăng cường 300 cảnh sát để kiểm soát thêm đường biên giới với Pháp nhằm ngăn chặn những người nhập cư có thể sang nước này khi Pháp bắt đầu dỡ bỏ khu lưu trú bất hợp pháp nổi tiếng của người nhập cư ở Calais...
VÕ TRUNG DUNG, TUOITRE