Lập trường cứng rắn của Đức với Nga - Trung
Theo hãng AP, Đức có thể sẽ đối mặt với một loạt thách thức trong quan hệ với Nga và Trung Quốc vào thời gian tới. Về phía Nga, hoạt động tăng cường quân sự của Moscow gần biên giới với Ukraine và các căng thẳng ngoại giao sau khi phán quyết của Tòa án Đức rằng Nga có liên quan đến vụ sát hại cựu chỉ huy phiến quân Chechnya ở Berlin năm 2019 đã khiến cho quan hệ giữa Berlin và Moscow đi xuống. Đức sau đó đã trục xuất hai nhà ngoại giao Nga. Moscow bác bỏ liên quan đến vụ sát hại, chỉ trích phán quyết của tòa án Berlin mang tính chính trị và đang chống lại Nga. Đại sứ Nga tại Đức Sergei Nechayev cho rằng phán quyết này "làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn đã khó khăn giữa Nga và Đức". Đáp trả lại, Nga đã trục xuất hai nhà ngoại giao Đức. Sự việc làm gia tăng căng thẳng hai nước.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: AP
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, đồng lãnh đạo Đảng Xanh trong liên minh cầm quyền, ngày 5/1 đã thực hiện chuyến thăm tới Washington, trong đó sẽ chú trọng nhấn mạnh lập trường chung giữa Berlin và Washington trong vấn đề liên quan đến Nga. Tuy nhiên, giữa các vấn đề tìm được đồng thuận chung, Đức với đồng minh thân thiết xuyên Đại Tây Dương hay cả trong chính phủ Đức vẫn có nhiều khác biệt. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cảnh báo về "những hậu quả to lớn" nếu Nga đưa quân sang Ukraine.
Tuy nhiên, dự án Nord Stream 2 vẫn tiếp tục gây tranh cãi vì phe đối lập tại Đức, phương Tây và Mỹ cho rằng dự án này có thể được sử dụng làm công cụ để Nga gây ảnh hưởng với Ukraine và các đồng minh của Mỹ tại châu Âu.
Vào ngày 5/1, trong cuộc họp báo tại Washington với sự tham dự của đại diện hai nước Mỹ và Đức, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thể hiện sự ủng hộ với quan điểm chính sách cứng rắn của Đức. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận định, dự án Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức có thể là một công cụ "gây ảnh hưởng" của Moscow.
Duy trì lập trường cứng rắn với Nga, Đảng Xanh của bà Baerbock cũng tỏ ra nghi ngờ về dự án đường ống Nord Stream 2 – dự án vừa hoàn thành gần đây để đưa nhiều khí đốt tự nhiên hơn từ Nga sang Đức nhưng hiện vẫn chưa đưa vào sử dụng. Lập trường của Đảng Xanh gây chú ý một phần là bởi các lo ngại về môi trường khi Đức phải phụ thuộc nhiều hơn vào Nga về nhiên liệu hóa thạch. Mặt khác, Đức cũng thể hiện lập trường gần với Mỹ khi trước đó, bản thân Washington từng cảnh báo dự án này có nguy cơ làm gia tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga.
Vai trò của chính phủ mới
Tại cuộc bầu cử năm ngoái nhằm tìm lãnh đạo kế nhiệm cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel, bà Baerbock đã phát động chương trình thể hiện chính sách ngoại giao ủng hộ đường lối cứng rắn hơn đối với Moscow và Bắc Kinh về vấn đề an ninh và nhân quyền. Trong khi đó, đối thủ của bà là ông Olaf Scholz – hiện là tân Thủ tướng Đức lại thể hiện lập trường mềm mỏng hơn đáng kể đối với Nga và giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu năm 2021.
Tân Thủ tướng Đức Scholz dường như lại nghiêng về ủng hộ dự án này. Đảng Dân chủ Xã hội hiện là đảng lớn nhất trong chính phủ liên minh, vì vậy, chính phủ liên minh Đức sẽ khó có thể phản đối dự án này trừ khi Nga phát động cuộc tấn công quân sự nhằm vào Ukraine.
Thêm vào đó, sự chú ý tiếp theo trong tuần này cũng tập trung vào sự kiện Cố vấn chính sách đối ngoại của tân Thủ tướng Scholz sẽ có cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo đồng cấp của Pháp và Nga để thảo luận về tình hình Ukraine.
Ngoại trưởng Đức Baerbock thể hiện cam kết sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại đặt lợi ích và giá trị lên hàng đầu cho nước Đức.
"Về lâu dài, việc cố tình im lặng không phải là một chiến lược ngoại giao, dù một số người vẫn áp dụng hướng tiếp cận này trong những năm gần đây", bà Baerbock cho biết.
Ngoại trưởng Đức Baerbock cũng khẳng định nước này ủng hộ các đề xuất rằng các sản phẩm do lao động cưỡng bức, vi phạm nhân quyền không thể đi vào thị trường châu Âu. Mỹ từ lâu cũng đã ủng hộ lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc. Trong 16 năm dẫn dắt nước Đức, cựu Thủ tướng Merkel thương tìm cách cân bằng giữa lợi ích doanh nghiệp trước các vấn đề nhân quyền.
Ông Josef Braml – một chuyên gia của Ủy ban ba bên phi chính phủ nói rằng, chính sách đối ngoại của Đức có thể sẽ phụ thuộc vào sự chỉ đạo mạnh mẽ hơn của tân Thủ tướng trong tương lai.
"Chúng tôi sẽ phải chờ các hành động của tân Thủ tướng để có các đánh giá chắc chắn hơn trong thời gian tới", ông Josef Braml nhận định./.
Hồng Nhung
Nguồn: toquoc.vn