Theo cơ quan có trụ sở tại Wiesbaden này, doanh thu danh nghĩa năm 2017 đã tăng khoảng 4,5-4,9% so với năm trước đó. Đây là mức tăng nhiều nhất kể từ năm 1994.
Doanh thu thực sau khi được điều chỉnh theo giá đã tăng 2,7-3,1% trong năm 2017. Ước tính này dựa trên số liệu thu thập được trong giai đoạn từ tháng Một đến tháng 11/2017.
Michael Holstein, chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng DZ bank, chỉ ra rằng thị trường lao động "khỏe mạnh" và sức mua lớn là yếu tố góp phần tạo nên năm 2017 "ăn nên làm ra" của các nhà bán lẻ Đức.
Theo số liệu công bố gần đây, lực lượng lao động tại Đức đã tăng lên mức kỷ lục 44,3 triệu người, còn tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ khi tái thống nhất.
Trong khi đó, Rolf Buerkl, chuyên gia của công ty nghiên cứu thị trường Gesellschaft fuer Konsumforschung (GfK), cũng lưu ý rằng nỗi lo mất việc ở Đức không cao nhờ sự bùng nổ kinh tế.
Với sự kết hợp hợp lý của các yếu tố, chuyên gia Buerkl cho rằng sự phát triển của lĩnh vực bán lẻ sẽ “vẫn tốt và thậm chí còn cải thiện hơn” trong tương lai gần.
Bên cạnh đó, chuyên gia của GfK nhấn mạnh nhiều công ty bán lẻ đang được hưởng lợi từ một lượng lớn khách hàng tiềm năng do lượng người nhập cư và tị nạn ở Liên minh châu Âu (EU) tăng lên trong những năm gần đây. Dân số Đức đã tăng lên mức cao kỷ lục 83 triệu người.
Song không phải tất cả nhà bán lẻ đều được hưởng lợi từ sự phát triển của ngành.
Hiệp hội các nhà bán lẻ Đức (HDE) dự đoán đến năm 2020, có tới 50.000 cửa hàng có thể sẽ phải đóng cửa trên cả nước do xu hướng nhân khẩu học ở một số vùng, khi một số lượng lớn người trẻ chuyển từ nông thôn đến các thành phố lớn như Berlin, Hamburg và München.
Nguồn: bnews.VN