Đợt bùng phát Omicron đã qua đỉnh tại nhiều nơi ở châu Âu và Mỹ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo một giai đoạn yên ả sau làn sóng này. Về tương lai xa hơn thì vẫn phải cảnh giác.

Theo Hãng tin AFP, trong cuộc họp báo mới đây, giám đốc văn phòng châu Âu của WHO, ông Hans Kluge, nhận định chủng Omicron đã chính thức đưa đại dịch COVID-19 sang một giai đoạn mới, mở ra khả năng dịch đi đến hồi kết ở châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới.

Mỹ đã nhìn thấy ánh sáng

Xuất hiện trên Đài ABC của Mỹ ngày 23-1, bác sĩ Anthony S. Fauci - cố vấn chống dịch cho Chính phủ Mỹ - lạc quan nhận định làn sóng Omicron đã đạt đỉnh trên toàn nước Mỹ, tiếp theo dịch COVID-19 có thể giảm nhiệt xuống mức có thể sống chung được trong những tháng tới. 

"Chúng ta có thể hy vọng trong những tuần và tháng tiếp theo, mức độ lây nhiễm trên cả nước sẽ giảm xuống mức tôi gọi là vùng kiểm soát. Virus sẽ không biến mất, nó vẫn còn đó nhưng sẽ không làm gián đoạn xã hội nữa. Đây là kịch bản tốt nhất", ông Fauci giải thích.

Theo báo New York Times, tính đến ngày 22-1, Mỹ ghi nhận trung bình hơn 705.700 ca Omicron mới mỗi ngày, tăng 8% trong 2 tuần qua. Số ca nhập viện trên cả nước trung bình 159.500 ca/ngày (tăng 25%), ca tử vong là 2.152 ca/ngày (tăng 41%).

1 My   Au Yen A Vai Thang Cho Cuoi Nam Xem Sao

Mọi người đeo khẩu trang khi đi dạo trong vườn Tuileries ở thủ đô Paris, Pháp ngày 5-1 - Ảnh: Reuters

"Sẽ còn thêm một chút nỗi đau và thống khổ do nhập viện ở những khu vực người dân chưa tiêm ngừa hoặc chưa tiêm tăng cường đầy đủ", ông Fauci nhận xét. 

Vị chuyên gia này cũng thừa nhận luôn sẵn sàng cho tình huống xấu nhất là điều tốt. "Tôi không nói nó sẽ xảy ra, nhưng chúng ta cần sẵn sàng nếu xuất hiện một biến chủng khác có đặc tính nguy hiểm, như khả năng lây cao hoặc độc tính cao dù mọi thứ hiện tại đang trông sáng sủa".

Chúng tôi dự đoán một giai đoạn yên ả trước khi COVID-19 quay lại vào cuối năm, nhưng không nhất thiết ở quy mô đại dịch nữa.

Chuyên gia Kluge của WHO cho biết.

Châu Âu: trả lại bệnh viện cho các bệnh nhân khác

Omicron hiện là chủng virus chính ở Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực kinh tế châu Âu (EEA, gồm thêm Na Uy, Iceland và Liechtenstein), theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật EU (ECDC). 

Chính vì đặc tính lây lan nhanh của Omicron, Văn phòng WHO tại châu Âu khuyến cáo các quốc gia nên tập trung cho việc "giảm thiểu sự gián đoạn đối với bệnh viện, trường học và nền kinh tế, chú trọng tối đa bảo vệ người dễ tổn thương".

"Giữ ổn định có nghĩa là hệ thống y tế không bị quá tải bởi COVID và có thể tiếp tục cung cấp các dịch vụ sức khỏe thiết yếu khác. 

Việc chữa trị các bệnh ung thư, tim mạch hoặc tiêm chủng định kỳ thời gian qua đã bị gián đoạn rất nhiều", giám đốc Hans Kluge giải thích. Hiện một số nước châu Âu đã bắt đầu dỡ bỏ hàng rào chống dịch do các dấu hiệu cho thấy đợt sóng Omicron đã qua đỉnh.

Mới chỉ có thể chấm dứt giai đoạn cấp tính

Ngày 24-1, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo: "Thật nguy hiểm khi cho rằng Omicron sẽ là biến thể cuối cùng hoặc rằng chúng ta đang ở hồi kết. Ngược lại, trên toàn cầu đang có các điều kiện lý tưởng để có thêm nhiều biến thể xuất hiện".

"Chúng ta sẽ cần học cách kiểm soát nó thông qua một chiến lược bền vững và kết hợp cùng với các bệnh đường hô hấp cấp tính khác. Tiềm năng về một biến thể dễ lây lan hơn, chết chóc hơn vẫn còn rất thực tế", ông Tedros nhấn mạnh.

Người đứng đầu WHO cho biết thế giới sẽ cần học cách sống chung với COVID-19. Cụ thể, nếu các nước sử dụng tất cả chiến lược (của WHO) và công cụ một cách toàn diện, chúng ta có thể chấm dứt giai đoạn cấp tính của đại dịch trong năm nay. 

Để làm được điều đó, các nước cần chung tay và nỗ lực hơn nữa để đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với vắc xin và thuốc điều trị, theo dõi virus và các biến thể mới nổi của nó, đồng thời duy trì các hạn chế phòng dịch.

Kể từ khi biến thể Omicron lần đầu tiên được ghi nhận ở miền nam châu Phi 9 tuần trước, ông Tedros cho biết đã có 80 triệu ca bệnh được báo cáo cho WHO, nhiều hơn cả năm 2020.

Chỉ kết thúc khi tất cả được tiêm ngừa hoặc... nhiễm bệnh

Nhà dịch tễ học Fred Binka (Ghana) trao đổi với Đài DW của Đức: "Virus có hai đặc tính chính: độc lực và khả năng lây lan.

Hoặc là nó đột biến để thêm sức mạnh lây lan, hoặc là thêm độc lực. Do vậy khi nó trở nên rất dễ lây, độc lực buộc phải giảm xuống. Rõ ràng đại dịch đang đi đến hồi kết, virus đã hoàn toàn thích nghi, nó sẽ trở thành đặc hữu và ở lại với chúng ta".

Theo AFP, Văn phòng WHO tại châu Phi cho biết số ca nhiễm COVID mới và ca tử vong ở châu lục này đang trên đà giảm kể từ khi sóng Omicron đạt đỉnh hồi trung tuần tháng 1. Châu Phi hiện chỉ có 7% dân số đã tiêm ngừa.

Nhà virus học Wolfgang Preiser (Nam Phi) nhận xét đặc tính của Omicron tạo ra hy vọng đại dịch sẽ sớm kết thúc, nhưng điều này chỉ xảy ra khi phần lớn dân số đã từng nhiễm bệnh hoặc đã tiêm ngừa.

"Tôi hy vọng chúng ta có thể không cần đến liều vắc xin tăng cường mỗi năm. Nếu không xuất hiện thêm biến thể mới nào quá ghê gớm, chúng ta có thể duy trì miễn dịch theo cách tự nhiên thông qua phơi nhiễm với virus", ông Preiser nêu quan điểm.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC