Reuters dẫn một số nguồn tin cho biết, có ít nhất 3 lô hàng dầu Mỹ có khả năng vượt Đại Tây Dương trong vài tuần tới.

Các mặt hàng được cung cấp khá đa dạng, đặc biệt trong đó có dầu WTI giao tháng 4 và tháng 5 đến các khách hàng muốn mua chúng.

Từ khi Quốc hội Mỹ bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu tồn tại suốt 4 thập kỷ qua, một số lô hàng dầu thô, dầu nhiên liệu và dầu siêu nhẹ đã cập cảng châu Âu và Địa Trung Hải.

Cánh cửa cơ hội để bán dầu vào châu Âu là mức giá dầu Brent chênh lệch khoảng 3 USD mỗi thùng so với dầu WTI.

Cho đến nay châu Âu vẫn là khách hàng mua dầu và khí đốt quan trọng bậc nhất của Nga. Điểm thuận lợi cho quan hệ buôn bán giữa hai bên là cung đường vận chuyển dầu, khí đốt từ Nga sang châu Âu ngắn, tiết kiệm được chi phí vận chuyển rất nhiều.

Trong khi đó, để sang châu Âu, dầu Mỹ kém lợi thế hơn khi phải vượt Đại Tây Dương, đẩy chi phí vận chuyển lên cao. Do vậy, nhiều khả năng Mỹ sẽ bắt buộc phải giảm giá để cạnh tranh.

Mỹ sẽ đối đầu Nga trên thị trường dầu châu Âu? - 0

Trước đó, hồi tháng 1/2016, công ty lọc hóa dầu quốc doanh Sinopec của Trung Quốc cũng đã mua lô dầu thô đầu tiên từ Mỹ với số lượng khá nhỏ - khoảng 600.000 thùng, tương đương lượng dầu mà Trung Quốc nhập khẩu trong vòng 2 giờ đồng hồ.

Để đến châu Á, dầu Mỹ phải đi một chặng đường xa hơn một phần ba so với quãng đường vận chuyển dầu từ Trung Đông và do đó chi phí sẽ cao hơn.

Mỹ xuất khẩu dầu trong bối cảnh giá vàng đen xuống thấp là điều dễ hiểu khi nguồn dự trữ dầu của nước này đã đạt mức cao kỷ lục từ trước tới nay.

Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ đầu tháng 3 này, dự trữ dầu thô tăng lên mức cao kỷ lục mới 517,98 triệu thùng.

Đặc biệt, dù được cho là có công nghệ khai thác dầu đá phiến tiên tiến giúp giảm chi phí khai thác, tuy nhiên đến nay các công ty sản xuất dầu của Mỹ vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm sản lượng khai thác.

Đến nay sản lượng khai thác của Mỹ đã giảm liên tiếp xuống 9,08 triệu thùng mỗi ngày.

Đầu năm 2016, công ty phân tích Wolfe Research dự báo, sẽ có tới 1/3 số công ty khai thác dầu khí của Mỹ đối mặt nguy cơ lâm vào cảnh phá sản và tái cơ cấu trong thời gian từ nay đến giữa năm 2017.

Trong đó, nhiều công ty chỉ có thể “sống sót” nếu giá dầu hồi phục lên mức tối thiểu 50 USD/thùng.

Cùng quan điểm bi quan, nhà phân tích cấp cao Fadel Gheit thuộc công ty Oppenheimer & Co. dự báo một nửa số nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ có thể phá sản trước khi thị trường dầu lửa đạt mức cân bằng.

An Nhiên (Tổng hợp)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC