Trong thông điệp chúc mừng năm mới 2011, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy khẳng định, việc từ bỏ sử dụng đồng Euo là một ý tưởng điên rồ và nếu đồng Euro mất đi thì châu Âu sẽ không tồn tại.
Thủ tướng Đức Angela Merkel khi tuyên đọc diễn văn đón chào năm mới, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đồng Euro đối với Đức và Liên minh châu Âu (EU).
Theo đài RFI, sự kiện Estonia bắt đầu sử dụng đồng Euro kể từ ngày 1/1/2011 phần nào đã tạo nên sự hứng khởi, nhưng không làm dịu đi sự lo lắng cho số phận đồng tiền này và đương nhiên cả tương lai của châu Âu.
Một số nhà phân tích cho rằng, các cuộc khủng hoảng trong khu vực đồng Euro (Eurozone) có thể khiến EU tan rã trong thập niên sắp tới. Hôm 31/12, bà Merkel nói rằng, châu Âu đang ở giữa một cuộc sát hạch lớn, và mặc dầu có những biến động lớn trong năm 2010, giờ đây là lúc phải ủng hộ đồng Euro.
Thủ tướng Merkel cho biết, Đức đã thoát ra khỏi các cuộc khủng hoảng đồng Euro, và Đức bây giờ mạnh thêm. Theo bà, đồng Euro là nền tảng của sự phồn thịnh tại châu Âu. Nhưng một cuộc thăm dò ý kiến mới đây cho biết, nhiều người tại Đức không hài lòng về chuyện cứu nguy cho các nước láng giềng.
Hồi đầu tháng này, 49% những người được hỏi ý kiến, do nhật báo Bild của Đức thực hiện, nói họ muốn sử dụng lại đồng Mark. Những căng thẳng đó có thể lên cao hơn trong năm nay. Nền kinh tế của các quốc gia trong Eurozone đang gặp nguy cơ và chính họ cũng có thể cần được cứu nguy.
Đồng tiền chung châu Âu chính thức ra đời năm 1999, với sự tham gia của 11 trong tổng số 15 thành viên EU vào thời điểm đó.
Trên nguyên tắc, tất cả các thành viên EU lần lượt tham gia Eurozone khi thực hiện được một số tiêu chí, ngoại trừ hai trường hợp đặc biệt là Anh, Đan Mạch, còn Thụy Điển thì xin lùi lại thời điểm. Trong hơn một thập niên vừa qua, có thêm 6 nước chuyển sang dùng đồng tiền chung châu Âu.
Trong ba năm đầu tiên, đồng Euro chỉ được dùng trong kế toán và giao dịch điện tử. Tiền giấy và tiền xu được phát hành và lưu thông từ năm 2002. Chính sách tiền tệ Eurozone thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Trung ương châu Âu, có trụ sở tại Frankfurt, Đức.
Bộ trưởng Tài chính các thành viên trong EU đại diện về mặt chính trị cho khối sử dụng đồng tiền chung. Nhằm duy trì sự ổn định của đồng tiền, các thành viên phải tôn trọng Thỏa thuận về ổn định và phát triển, giới hạn tỷ lệ lạm phát, nợ công và đặc biệt là thâm hụt ngân sách không được quá 3% GDP.
Thế nhưng, trong năm qua, khu vực đồng Euo rơi vào khủng hoảng, với việc Hy Lạp, Irelalan đứng bên bờ vực phá sản. EU đã cứu nguy cho Hy Lạp và Ireland. Tháng 5 năm 2010, châu Âu chi 110 tỷ Euo giúp Hy Lạp, sang đến tháng 11, đến lượt Ireland được hà hơi tiếp sức 85 tỷ euro..
Năm nay, 2011, mối đe dọa vẫn lơ lửng trên bầu trời châu Âu với những khó khăn chồng chất về tài chính công tại Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý và một số nước khác. Hôm 31/12, Trung tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) có trụ sở tại Anh, nhận định 2011 là một năm đầy khó khăn đối với châu Âu.
Ông Doulags Williamn, Giám đốc điều hành CEBR, thẩm định trong sáu tháng đầu năm nay, Tây Ban Nha và Italy phải cần đến 400 tỷ Euro và điều này có thể lại làm nảy sinh một cuộc khủng hoảng mới trong khu vực đồng tiền chung và thậm chí có thể dẫn tới sự tan vỡ của EU.
Nếu không bị xóa sổ thì đồng Euro cũng sẽ bị sụt giảm giá trị một cách đáng kể so với USD. Về lâu dài, Eurozone sẽ bị chao đảo mạnh mẽ do khoảng cách chênh lệnh ngày càng tăng về khả năng cạnh tranh giữa các nền kinh tế mạnh và yếu, nhưng lại có đồng tiền chung.
Do vậy, nhóm chuyên gia CEBR đánh giá, trong 10 năm tới chỉ có 1 phần 5 cơ may là khu vực sử dụng đồng Euro sống sót dưới hình thức hiện tại.
Do hoàn cảnh cấp bách, để cứu đồng tiền chung, trong năm qua, châu Âu trên thực tế, đã xóa bỏ một nguyên tắc cơ bản của tổ chức này là cấm các nước thành viên giúp đỡ nhau về tài chính.
Nhờ vậy, châu Âu, trong tháng năm vừa qua, đã lập một quỹ cấp cứu tạm thời trị giá 750 tỷ euro. Đến tháng 12, các lãnh đạo châu Âu quyết định là trong năm 2011, sẽ cho sửa đổi hiệp định châu Âu để duy trì một cơ chế hỗ trợ tài chính.
Đổi lại, kỷ luật về ngân sách sẽ được tăng cường. Ngay từ năm nay, 2011, các thành viên phải đệ trình dự án ngân sách quốc gia để Brussels xem xét, trước khi đưa ra Quốc hội của từng nước để bỏ phiếu và thông qua.
Châu Âu cũng sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với những thành viên vi phạm kỷ luật ngân sách. Cho đến nay, quản lý ngân sách quốc gia là một lĩnh vực rất nhạy cảm, kiêng kỵ, thuộc về chủ quyền của từng thành viên.
Thế nhưng, không thể tồn tại một đồng tiền chung nếu không có một ngân sách quản lý chung. Do vậy, theo giới chuyên gia, những thay đổi trên đây là bước khởi đầu cho sự hình thành một dạng ngân sách chung của châu Âu mặc dù điều này đòi hỏi nhiều thời gian.
H.V
Theo VnEconomy