Khói bốc lên từ một nhà máy nhiệt điện than ở Đức - Ảnh: GETTY IMAGES
Động thái này nằm trong một loạt biện pháp, bao gồm các biện pháp mới khuyến khích các công ty ít đốt khí tự nhiên hơn, được ông Habeck thông báo ngày 19-6, trong bối cảnh châu Âu đang thực hiện các bước để đối phó với việc nguồn cung năng lượng từ Nga bị giảm.
"Điều này thật cay đắng nhưng trong tình huống này, điều cần thiết là phải giảm việc sử dụng khí đốt", ông Habeck cho biết.
Ông Habeck cho biết Berlin đang làm việc về một đạo luật mới để tạm thời khôi phục hoạt động của nhiều nhà máy nhiệt điện than trong thời hạn 2 năm. Luật dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 7 tới.
Kế hoạch này đi ngược lại với chính sách chống biến đổi khí hậu của Đức. Nước này từng công bố kế hoạch hạn chế và tiến đến chấm dứt nhiệt điện than vào năm 2030, vì nguồn điện này phát thải carbon nhiều hơn so với sử dụng khí đốt.
Trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine ngày 24-2, Berlin đã nhập khẩu 55% lượng khí đốt của nước này từ Matxcơva.
Kể từ khi các nước châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vì cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Matxcơva đã cắt giảm nguồn cung khí đốt tới nhiều nước trong khu vực này.
Tuần trước, Tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) đã giảm 60% lượng khí đốt cấp cho Đức qua đường ống Nord Stream 1. Gazprom nói nguyên nhân cắt giảm liên quan đến vấn đề bảo trì, nhưng các lãnh đạo châu Âu đã gọi động thái này là một chiến thuật chính trị của Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo báo New York Times.
Ý, nước cũng đang chứng kiến nguồn cung khí đốt từ Nga giảm, dự kiến sẽ tuyên bố các biện pháp khẩn cấp trong những ngày sắp tới, nếu nguồn cung không phục hồi, theo báo Financial Times.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online