Cụm từ "Chiến tranh Lạnh mới" đang bị lạm dụng và khiến phương Tây hiểu sai về nước Nga của Tổng thống Putin.
Tờ The Daily Mail của Anh cho biết Nga đã có cách xử trí rất “đẹp” trước việc Thủ tướng Anh David Cameron từ chối tham dự Lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng hôm 9/5 trên Quảng trường Đỏ.
Theo đó, thay vào chỗ của ông Cameron trên hàng ghế VIP là 3 cựu binh Anh.
Các cựu binh này gồm có Ernie Kennedy, Jeff Shelton và David Craig, là những người trong đoàn tàu đã đi Bắc Cực trong Thế chiến II, bất chấp nhiệt độ âm 40 độ C và bão biển để cung cấp nhu yếu phẩm cho đồng minh Nga khi Moskva phải chống lại cuộc xâm lược của phát xít Đức ở mặt trận phía Đông.
Họ được bố trí ngồi ngay vị trí dự kiến của ông Cameron phía sau Tổng thống Nga.
Ba cựu binh Anh đội mũ trắng ngồi ngay phía sau Tổng thống Nga |
Ngoài ra, Nga còn mời cháu của cố Thủ tướng Anh Winston Churchill, Nghị sĩ Đảng Bảo thủ Nicholas Soams tham dự buổi duyệt binh.
Với sự “biệt đãi” của Tổng thống Nga, 2 trong số 3 nhân vật này đã lên tiếng chỉ trích Thủ tướng Anh và cho rằng chính phủ của ông Cameron xử sự "như đứa trẻ hư hỏng".
Ông Jeff Shelton, 89 tuổi, cho rằng: "Tổng thống Putin đã dành cho chúng ta những chỗ tốt nhất. Tôi nghĩ ông ta muốn thể hiện rằng chúng tôi đại diện cho Vương quốc Anh thay cho sự vắng mặt của Ngài Cameron".
Ông Shelton cho rằng Thủ tướng Anh nên đến khi nói: "Bất luận chính phủ nghĩ như thế nào hay điều gì xảy ra ở Ukraine, việc khước từ những hy sinh của 20 triệu người Nga trong chiến tranh là nhỏ mọn và thô thiển".
Trong khi đó, ông David Craig, 90 tuổi, nói: "Người Nga đối đãi với chúng tôi tốt hơn chính phủ của chúng ta, vốn hành xử như những đứa trẻ hư hỏng. Khi tôi xem duyệt binh, tôi đơn giản chỉ nghĩ về hàng triệu người Nga đã ngã xuống, giúp chúng ta chiến thắng cuộc chiến".
Những thủy thủ trên đoàn tàu đi Bắc Cực tiếp viện cho Nga trong Thế chiến II |
Cũng liên quan tới quan hệ với Nga, Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề quốc tế (Chatham House) nhận định rằng việc đưa ra thuật ngữ "Chiến tranh Lạnh mới" trên thực tế đã lạm dụng lịch sử, khiến phương Tây hiểu sai về Nga cũng như vai trò của nước này đối với môi trường an ninh châu Âu.
Cụm từ “Chiến tranh Lạnh mới” hiện đang được sử dụng một cách phổ biến để chỉ giai đoạn cao trào trong cạnh tranh ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây, mà điển hình là cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Phương Tây thậm chí còn “hoảng hốt” khi nhận định vô căn cứ rằng Tổng thống Nga Putin muốn khôi phục Liên Xô, đồng thời nhấn mạnh tới bài học thời Chiến tranh Lạnh.
Theo Chatham House, cách tiếp cận theo kiểu "Chiến tranh Lạnh mới" khiến phương Tây gặp khó khăn trong việc hoạch định chính sách đối với cả Nga và Ukraine.
Bên cạnh đó, việc so sánh hành động của nước Nga hiện đại với nước Đức phát xít cuối thập niên 1930 cũng dẫn đến những sai lầm khi đánh giá và xem xét một cuộc khủng hoảng quốc tế khá phức tạp.
Tư Phong