Ngày 31-5, Công ty Gazprom của Nga cho biết công ty sẽ ngừng cung cấp khí đốt đến nhiều nước châu Âu "không thân thiện" vì từ chối chấp nhận yêu cầu thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp.

1 Nga Ngung Cung Cap Khi Dot Cho Dan Mach Duc Tu 1 6

Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Đan Mạch, Đức từ 1-6 - Ảnh: REUTERS

Cụ thể, Gazprom cho biết đã cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho công ty Hà Lan GasTerra từ 31-5. Không lâu sau đó, công ty cho biết từ ngày 1-6 sẽ ngừng cung cấp khí đốt đến Đan Mạch và Đức qua hai công ty Orsted và Shell Energy, "vì cả hai công ty đều không thanh toán bằng đồng rúp cho phía Nga".

Theo Hãng tin Reuters, động thái này là đòn trả đũa mới nhất với các lệnh trừng phạt mà các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) vừa đưa ra, về việc cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu của EU từ Nga vào cuối năm nay.

GasTerra, công ty đại diện Chính phủ Hà Lan mua và kinh doanh khí đốt, cho biết họ đã ký hợp đồng với các nhà cung cấp ở nơi khác để mua 2 tỉ mét khối khí đốt lẽ ra do Gazprom cung cấp từ nay đến hết tháng 10-2022.

Pieter ten Bruggencate, người phát ngôn của Bộ Kinh tế, cho biết Hà Lan chưa bị đe dọa về nguồn cung khí đốt.

Sau thông báo của Gazprom ngày 31-5, Công ty Orsted cũng cho biết không có rủi ro tức thời với nguồn cung khí đốt của Đan Mạch. Orsted sẽ chuyển sang thị trường khí đốt châu Âu để bù đắp cho sự thiếu hụt của mình.

Mads Nipper, giám đốc điều hành của Orsted, chia sẻ: "Đảm bảo khí đốt cho Đan Mạch là bắt buộc, nhưng ở một mức độ lớn hơn, nó phải được mua ở thị trường khí đốt châu Âu. Chúng tôi hy vọng điều này sẽ khả thi".

Theo Reuters, hợp đồng khí đốt giao trước theo tháng tiêu chuẩn đã tăng khoảng 5% vào chiều 31-5, lên khoảng 91,05 euro/megawatt/giờ, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trên 300 euro/megawatt/giờ hồi đầu tháng 3-2022.

Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Bulgaria, Ba Lan và Phần Lan cũng vì lý do các nước này không đồng ý thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp.

Việc cắt giảm nguồn cung đã khiến giá khí đốt vốn đã cao tăng cao hơn, làm tăng lạm phát và buộc các chính phủ và công ty châu Âu phải tìm các nguồn thay thế, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng để xử lý chúng.

Trước đó hôm 31-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông đã ký sắc lệnh yêu cầu người mua nước ngoài bắt buộc phải trả tiền mua nhiên liệu của Nga bằng đồng rúp từ ngày 1-4, hợp đồng sẽ bị ngừng nếu bên mua không thanh toán.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC