Nga dùng sức mạnh năng lượng để buộc các nước châu Âu chấm dứt ủng hộ với Ukraine, nhưng nỗ lực này có thể đối mặt nguy cơ thất bại.

Các chính phủ châu Âu nói chiến lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin là cắt giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên để gây đau đớn cho các hộ gia đình và doanh nghiệp ở lục địa già, khiến người dân phản đối chính sách trừng phạt hiện tại của châu Âu với Nga và buộc các nước ngừng hỗ trợ cho Ukraine.

Cuộc chiến kinh tế Nga - châu Âu được coi là có thể định đoạt kết quả cuộc xung đột Ukraine. Giới quan sát chỉ ra rằng Nga đang gặp khó khăn về kinh tế, cùng với những bước lùi trên chiến trường.

Nga chưa chắc chắn thua trong cuộc chiến kinh tế này. Song các quan chức, chuyên gia năng lượng và các nhà kinh tế ngày càng nhất trí rằng dù hành động của Nga sẽ gây ra khó khăn nghiêm trọng, châu Âu sẽ vượt qua được mùa đông mà không cạn kiệt khí đốt. Họ lạc quan rằng khi mùa đông kết thúc, sức ảnh hưởng của Nga với nguồn cung năng lượng của châu Âu sẽ tiêu tan.

1 Nga That The Trong Cuoc Chien Nang Luong Voi Chau Au

Tổng thống Nga đã sử dụng "con át chủ bài" năng lượng vào cuối tháng 8, khi tuyên bố dừng vô thời hạn nguồn cung khí đốt tới châu Âu qua Nord Stream 1. "Ông ấy cho rằng đó là đòn bẩy lớn nhất và đánh cược với nó", Daniel Yergin, nhà sử học năng lượng kiêm phó chủ tịch S&P Global, nói.

Những thành công của Ukraine trong cuộc phản công gần đây đã khiến các chính phủ châu Âu không có lý do để thay đổi hướng đi, theo các chiến lược gia. "Không nước nào ở châu Âu cảm thấy cách giải quyết duy nhất là nhượng bộ Nga", Lawrence Freedman, giáo sư danh dự về nghiên cứu chiến tranh tại Đại học King's London, nói.

Điểm tựa của chiến dịch quân sự Ukraine là doanh thu cao từ dầu và khí đốt nhờ giá cả tăng vọt. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng nguồn thu của Nga đang giảm dần khi lượng khí đốt xuất khẩu và giá dầu giảm. Dầu thô Brent đã giảm từ hơn 120 USD/ thùng vào tháng 6 xuống còn khoảng 90 USD/ thùng.

Dữ liệu chính phủ Nga cung cấp đầu tuần trước chỉ ra thâm hụt ngân sách lớn trong tháng 8. Thặng dư ngân sách Nga đã giảm còn 137 tỷ ruble (khoảng 2,3 tỷ USD) trong 8 tháng đầu năm, từ mức 481 tỷ ruble công bố hồi tháng 7.

Các chính phủ châu Âu cũng có những thành công trong đảm bảo nguồn cung khí đốt thay thế Nga. Theo thỏa thuận đạt được hồi cuối tháng 7, từ tháng 8 năm nay tới tháng 3/2023, toàn bộ thành viên EU sẽ tự nguyện giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt.

Trong trường hợp xảy ra cú sốc về nguồn cung, như Nga ngắt hoàn toàn đường ống khí đốt, EU có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp và biến tỷ lệ cắt giảm này thành mức bắt buộc, có hiệu lực ngay lập tức. Hiện khoảng 80 triệu mét khối khí đốt hiện vẫn được chuyển sang EU thông qua Ukraine và đường ống TurkStream.

"Trong bối cảnh khí đốt ở châu Âu đắt đỏ, việc cắt giảm tiêu thụ là động thái rất có ý nghĩa về mặt chi phí. Nó càng trở nên quan trọng hơn khi cân nhắc tới vấn đề chính trị", Jim Krane, nhà phân tích năng lượng tại Viện Baker thuộc Đại học Rice ở Mỹ, nói với VnExpress.

Mùa đông sắp tới sẽ là giai đoạn dễ tổn thương nhất đối với các chính phủ châu Âu. Nếu mùa đông năm nay khắc nghiệt hơn bình thường, nhu cầu tiêu thụ năng lượng sẽ tăng, sự lạc quan của châu Âu cũng sẽ "bốc hơi", theo các nhà quan sát. Để duy trì sự thống nhất của châu Âu trong mùa đông, một số quốc gia có thể sẽ phải chia sẻ khí đốt dự trữ của họ với những nước khác.

Tuy nhiên, về phía Nga, cái giá đắt phải trả cho cuộc chiến năng lượng là danh tiếng nhà cung cấp đáng tin cậy không bao giờ sử dụng khí đốt làm vũ khí chính trị. "Bây giờ, họ đang sử dụng nó, không phải chỉ là vũ khí chính trị mà còn là vũ khí trong xung đột. Nó hoàn toàn xóa sạch uy tín của họ", Yergin nói.

Một dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của Nga suy yếu là giá khí đốt và điện đã giảm, sau khi tăng vọt vào tháng trước vì tuyên bố ngừng Nord Stream 1.

Vào giữa tháng này, khí đốt bán buôn được giao dịch ở mức khoảng 185 USD mỗi megawatt giờ. Nó cao gần 3 lần so với năm trước và gần gấp đôi hồi đầu tháng 6, khi Moskva bắt đầu siết nguồn cung qua Nord Stream 1. Tuy nhiên, nó vẫn giảm hơn 45% so với mức cao kỷ lục duy trì từ cuối tháng 7 tới hôm 26/8.

Giá điện đã giảm gần một nửa so với mức đỉnh. "Tình hình có vẻ đang ổn định", David den Hollander, đồng sáng lập công ty DC Energy Trading, chỉ ra các kho lưu trữ khí đốt ở Trung Âu đã gần đầy.

Ngoài đóng cửa các nhà máy luyện kim và phân bón tiêu thụ nhiều năng lượng, các kho nhập khí đốt mới còn được thiết lập ở Hà Lan và nhiều nơi khác để tiếp nhận các lô khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Các cơ sở mới là một trong những bước mà châu Âu đưa ra để đa dạng hóa nguồn cung thay thế Nga.

Các lựa chọn thay thế, trong đó có LNG từ Mỹ và các nước khác, giúp lấp đầy một phần khoảng trống khi Nga đóng cửa Nord Stream 1. Các kho lưu trữ khí đốt đã đạt 85% công suất, vượt mục tiêu ban đầu của EU là 80% vào cuối tháng 10.

Simon Quijano-Evans, nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu tư Gemcorp Capital LLC ở London, cho biết ngay cả khi Nga ngừng hoàn toàn nguồn cung, EU vẫn có thể có thể đủ khí đốt cho mùa đông. "Đó sẽ là một thách thức và phụ thuộc vào thời tiết, nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được", ông nói.

Ông tính toán mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên trung bình của EU vào tháng 10 trong giai đoạn 2018 tới 2021 là 256 tỷ mét khối. Trong khi đó, với các nguồn khí đốt từ những nơi khác cộng với 92 tỷ mét khối lưu trữ, châu Âu sẽ có khoảng 242 tỷ mét khối vào mùa đông năm nay. Phần chênh lệch có thể được bù đắp bằng cách tiết kiệm.

2 Nga That The Trong Cuoc Chien Nang Luong Voi Chau Au

Những đường ống chuyển khí đốt Nga cho châu Âu. Đồ họa: Reuters.

Khi EU và các chính phủ như Anh đang chạy đua để xoa dịu những tác động đối với người dân và doanh nghiệp, "tôi không nghĩ bất ổn xã hội sẽ xảy ra khiến các chính phủ phải nhượng bộ ông Putin", Stefano Stefanini, từng là nhà ngoại giao kiêm cố vấn chính sách đối ngoại cho cựu tổng thống Italy Giorgio Napolitano, cho hay.

Nhà phân tích Jim Krane cũng lạc quan rằng châu Âu chắc chắn sẽ vượt qua được cú sốc năng lượng Nga.

"Sẽ mất nhiều thời gian để thay thế nguồn cung Nga, nhưng chắc chắn có thể làm được", Krane chia sẻ. "Không chính phủ nào cho phép các mối quan hệ năng lượng chi phối hoạt động ngoại giao của họ trong phạm vi mà Moskva muốn".

Một yếu tố khác khiến chính phủ châu Âu không lùi bước là Tổng thống Putin không mang lại họ một lối thoát dễ dàng. Tuần này, khủng hoảng Ukraine leo thang với những diễn biến mới gồm 4 tỉnh Ukraine trưng cầu dân ý sáp nhập Nga và ông Putin phát lệnh động viên quân. Đồng thời, ông Putin cũng không đưa ra một thỏa thuận mà châu Âu có thể đồng tình, khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moskva và Kiev đã rơi vào bế tắc suốt nhiều tháng.

"Nếu châu Âu cảm thấy họ không phải thay đổi lập trường, ảnh hưởng của Nga chắc chắn sẽ suy giảm", giáo sư Freedman nói.

Thanh Tâm (Theo WSJ)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC