Cánh cửa quay trở lại G7 của Nga ngày càng trở nên hẹp hơn khi nhiều nước thành viên lên tiếng phản đối.
Đức đóng cửa đường trở lại G7 của Nga
Hôm 20/5, các bộ trưởng tài chính và người đứng đầu ngân hàng trung ương của G7 gặp nhau tại thành phố Sendai, phía đông bắc nước Nhật trong cuộc họp hai ngày.
Phát biểu hôm tại hội nghị, quan chức cấp cao của Đức nói rằng ở cuộc họp thượng đỉnh G7 ngày 26/5, các nước công nghiệp hàng đầu thế giới sẽ tiếp tục thảo luận về các biện pháp trừng phạt áp lên Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine.
Các nước G7 vẫn căn cứ vào việc thực hiện các thỏa thuận ngừng bắn Minsk, chấm dứt cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ Ukraine và các tay súng nổi dậy ở Luhansk và Donetsk, để quyết định về những biện pháp gia hạn hoặc nâng mức trừng phạt kinh tế với Nga.
Các bộ trưởng tài chính và người đứng đầu ngân hàng trung ương của G7 gặp nhau tại thành phố Sendai, phía đông bắc nước Nhật
Quan chức Đức nói rằng Berlin không hy vọng các nước khác sẽ mở rộng lệnh trừng phạt lên Nga, nhưng việc này sẽ được đề cập trong thông cáo phát hành vào cuối cuộc họp G7.
“Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) không có ý định chào đón sự trở lại của Nga”, vị quan chức Đức tuyên bố.
Trước đó, hồi tháng 6/2015, trong lần phát biểu trên truyền hình Đức ARD, Thủ tướng Angela Merkel từng tuyên bố: “Với quan điểm hiện tại của chúng tôi, việc Nga quay trở lại là phi thực tế".
Tất cả thành viên trong Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đều nhất trí với quyết định này.
Bà Merkel khẳng định nhóm G7 và G8 trước đây luôn coi mình là một “cộng đồng của những giá trị”. Theo bà Merkel việc Nga sáp nhập Crime là một sự vi phạm những nguyên tắc của luật pháp quốc tế và những sự kiện xảy ra ở miền đông Ukraine là sự vi phạm nghiêm trọng các giá trị chung đó.
Tuyên bố trên thể hiện rõ sự thay đổi trong lập trường của Đức với việc mời Nga trở lại tham gia vào G7.
Còn nhớ trong hội nghị ngoại trưởng các nước G7 diễn ra cách đây không lâu tại Hiroshima, Nhật Bản, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã kêu gọi mời Nga đến cuộc họp này và biến nó thành G8.
“Không có các xung đột quốc tế lớn nào được giải quyết mà không có sự tham gia của Nga. Trong một năm tới, nếu Nga có thể duy trì vai trò này, đồng thời đáp ứng được các điều kiện mà G7 đưa ra, thì Nga hoàn toàn có thể quay trở lại nhóm", ông Steinmeier tuyên bố.
Rõ ràng với việc Đức một lần nữa thay đổi trong lập trường với Nga càng khiến cho hi vọng quay trở lại nhóm G7 của Moskva trở nên mong manh và khó khăn hơn.
Nga khó có cửa trở lại G7?
Thực tế đây không phải là lần đầu tiên các nước trong nhóm G7 lên tiếng phản đối việc Nga quay trở lại với tư cách thành viên.
Hôm 2/5, Mỹ đã ra điều kiện cho Nga phải từ bỏ Crimea, đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt, đồng thời sẽ nỗ lực ngăn cản EU dỡ lệnh cấm vận Nga.
Theo đó, lệnh trừng phạt Moskva chỉ có thể được xóa bỏ nếu Tổng thống Mỹ trình bày trước Quốc hội xác nhận “Ukraine đã phục hồi chủ quyền trên bán đảo Crimea” hoặc có “một quyết định về qui chế bán đảo được thông qua dưới sự kiểm soát quốc tế và được công nhận bởi chính phủ Ukraine bầu một cách dân chủ”.
Ngoài ra, các hạ nghị sĩ Eliot Engel (đảng Dân chủ) và Adam Kiesinger (đảng Cộng hòa) còn đề xuất phủ nhận bất kỳ hình thức công nhận (theo luật định hay trong thực tế) bản thân báo đảo Crimea, vùng trời và lãnh hải của bán đảo này như là một phần thuộc lãnh thổ Liên bang Nga.
Nga khó có cửa trở lại G7?
Trong một tuyên bố được đưa ra hồi tháng 6 năm ngoái, Thủ tướng Canada Stephen Harper tuyên bố Nga không thể quay trở lại nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 chừng nào ông Vladimir Putin còn nắm quyền lãnh đạo đất nước.
“Canada rất, rất kịch liệt phản đối việc Tổng thống Nga Vladimir Putin trở lại ngồi vào bàn đàm phán của nhóm các nước G7. Vấn đề Nga quay trở lại nhóm các nước G7 đòi hỏi có sự đồng thuận, mà sự nhất trí này sẽ không bao giờ có”, Thủ tướng Canada Stephen Harper nhấn mạnh.
Theo ông Stephen Harper, Nga đã mất đi cơ sở để tham gia nhóm các nước G7 từ rất lâu, trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine vì Nga luôn coi mình như một đối thủ chiến lược.
Nga “cố tình chống lại những điều tốt đẹp mà chúng ta đang cố gắng để đạt được trên thế giới”, Nga làm điều đó không cần biết lý do, “đơn giản chỉ để chống lại những điều tốt đẹp trên thế giới”, ông Stephen Harper nói.
Minh Anh
Theo F.A.Z.