Nghị trường Trung Quốc qua lăng kính phương TâyHọp quốc hội là sự kiện chính trị lớn nhất mỗi năm ở Trung Quốc, nhưng vì không có nhiều cuộc tranh luận gay go hay ý kiến đặc biệt, báo chí nước này thường đăng ảnh đội phục vụ xinh đẹp hay đại biểu múa truyền thống, hãng thông tấn Mỹ nhận xét.

 Didi Tang, nữ phóng viên thường trú người Mỹ gốc Hoa của hãng tin AP tại Bắc Kinh, nhận xét về kỳ họp Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) đang diễn ra ở Trung Quốc cũng như cách thức báo chí nước này đưa tin về sự kiện, như dưới đây.

Một số trang tin về kỳ họp quốc hội có vẻ giống như tin dõi theo người nổi tiếng hơn là báo chí chính trị. Nhiều người trong công chúng Trung Quốc tỏ ra không quan tâm đến kỳ họp lập pháp thường niên, nơi hầu như không có mấy ý kiến về các vấn đề của chính phủ.

Thay vào đó, họ thấy các đại biểu quốc hội không chỉ tán dương mà còn say sưa về bản tóm tắt thành công của quá khứ cùng đường hướng cho tương lai trong báo cáo công tác thường niên của nhánh hành pháp.

“Tất cả các đại biểu biểu lộ sự tán thành tuyệt đối bản báo cáo mà không đặt câu hỏi về những bất hợp lý của nó hoặc nêu lên những nghi ngại. Họ đến Bắc Kinh chỉ đơn giản là dự một phiên nghiên cứu kéo dài 10 ngày hoặc đại loại như vậy", nhà sử học kiêm bình luận viên độc lập ở Bắc Kinh Zhang Lifan nhận xét.

Từ lúc Thủ tướng Lý Khắc Cường đọc báo cáo tại phiên khai mạc ngày 5/3, hoạt động chủ yếu của 2.964 đại biểu là tập hợp theo nhóm để đánh giá bản báo cáo đó trước phiên bế mạc diễn ra vào ngày 15/3 tới.

Không có tiếng nói phản biện nào. Các đại biểu hào hứng ca ngợi bản báo cáo là thực tế, sáng tạo, vững lòng và đầy cảm hứng. Báo chí nhà nước đồng loạt phản ánh những nhận xét này. Đối với các báo cáo được nêu ra, đại biểu có thể quyền bỏ phiếu trắng hoặc chống. Trên thực tế, số phiếu chống luôn là thiểu số và không chi phối được bất kỳ quyết định cuối cùng nào.

Nữ đại biểu Shen Jilan, 85 tuổi, ở tỉnh Sơn Tây ở miền bắc, được xem là đại diện tiêu biểu cho tình trạng nghị hình thức. Bà đã tham gia tất cả các kỳ họp quốc hội kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và bà tự hào chưa bao giờ bỏ phiếu chống kể từ khi bắt đầu được bầu vào năm 1954.

“Là đại biểu của nhân dân tức là phải lắng nghe tiếng nói của đảng và tôi chưa bao giờ bỏ phiếu không đồng ý”, bà Shen được truyền thông Trung Quốc dẫn lời.

Ít quan tâm

Một nữ kế toán ở Thượng Hải tên là Zhu Yin nói cô không thấy liên quan gì đến quốc hội và các vị đại biểu. Zhu cho biết cô có những vấn đề khó khăn cần đến sự giúp đỡ từ các đại biểu, ví dụ như việc chuyển bảo hiểm xã hội của mẹ cô đến một địa chỉ khác. Tuy nhiên, “tôi không biết làm cách nào có thể liên hệ với một đại biểu”, cô nói.

Shi Gaole, nhân viên kinh doanh của một công ty điện tử, cho biết anh chưa bao giờ đi bầu cử đại biểu quốc hội và tin rằng họ được chọn lựa trong số những người nổi tiếng. "Tôi không biết ai bổ nhiệm họ làm đại biểu, mà tôi cũng không muốn biết”, Shi nói.

Số đông đại biểu là đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc, và khoảng 20% tổng số đại biểu là từ các đảng khác, nhằm tạo ra sự đa dạng cho cơ quan lập pháp. Mục đích ban đầu là một diễn đàn nhằm nêu những mối lo lắng của địa phương đến lãnh đạo nhưng thực sự lại thường giống với một hoạt động phổ biến các ưu tiên của lãnh đạo.

Nhà nghiên cứu khoa học chính trị thuộc Đại học New York, ông Ming Xia, chuyên về hệ thống lập pháp Trung Quốc cho rằng "các đại biểu hình thức của quốc hội như doanh nhân, quan chức chính phủ hay đảng viên ngày càng trở nên một giới tinh hoa hơn”.

Quốc hội hiếm khi bỏ phiếu về vấn đề lập pháp. 6 trên 10 kỳ họp gần đây không có dự luật nào trong lịch trình. Kỳ họp năm nay là ngoại lệ vì có điều chỉnh sửa đổi luật tố tụng.

Tin tức

Cũng có một số tin tức đáng lưu ý xuất phát từ Đại lễ đường Nhận dân Bắc Kinh năm nay, trong đó có tin về mục tiêu tăng trưởng kinh tế của chính phủ trong năm tới là 7%, giảm chút ít so với kế hoạch 7,5% của năm trước.

Kỳ họp này cũng cho phóng viên nước ngoài cơ hội được đặt câu hỏi với các thành viên chính phủ, kể cả thủ tướng. Tuy nhiên, quan chức làm việc với các phóng viên để xem trước và thường lựa chọn câu hỏi. Các vấn đề mà người dân rất quan tâm, chẳng hạn chuyện công khai tài sản của giới chức, hiếm khi được nêu ra trong kỳ họp quốc hội.

Dù sao, truyền thông nhà nước đã nỗ lực thu hút sự chú ý của công chúng với việc đăng tải hàng loạt ảnh của các nữ phóng viên xinh đẹp, kể cả phóng viên nước ngoài, để tạo hương vị mới lạ. Tương tự, họ cũng đăng ảnh của các nhân viên xinh đẹp, đều tăm tắp, phục vụ trà nước cho đại biểu. Năm nay, việc các đại biểu chụp ảnh “tự sướng” rất phổ biến, ví dụ như hình ảnh nhóm các nữ đại biểu múa.

Cuối tuần rồi, hãng tin quốc gia đã cho đăng bài của một phóng viên về sự ngưỡng mộ vô bờ bến đối với người phát ngôn của quốc hội Phó Oánh và gọi bà là “nữ thần”. Một phóng viên khác bày tỏ sự phấn khích được phỏng vấn Trần Đạo Minh, một diễn viên nổi tiếng nay là thành viên Chính hiệp, cơ quan tư vấn hàng đầu của quốc hội, nhóm họp cùng thời gian với quốc hội tại Bắc Kinh. Nữ phóng viên say sưa tường thuật rằng ông Trần không chỉ đồng ý trả lời phỏng vấn mà còn giúp cô biên tập bài viết, từng câu, từng dòng. Sự ngưỡng mộ có phần thái quá này đã gây chỉ trích trên mạng về sự trung thực của phóng viên.

Nhà báo Song Zhibao có bài viết được chia sẻ nhiều trên mạng, nói rằng các nhà báo ở các cơ quan truyền thông nhà nước, khi không có khả năng viết điều gì thực sự có chất lượng, sẽ cho ra những sản phẩm mờ nhạt.

“Khi chẳng có gì để tường thuật mà bạn lại phải duy trì sự hiện diện thì những thứ lờ mờ quả là loại tin tốt nhất để đăng”, Song bình luận.

Minh Châu




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC