Các nghị sĩ châu Âu ngày 8/6 đã bỏ phiếu thông qua bản Kế hoạch khí hậu của Liên minh châu Âu, trong đó trọng tâm là việc cấm bán toàn bộ các xe ô tô chạy bằng năng lượng hoá thạch kể từ năm 2035, với tham vọng đến giữa thế kỷ 21 biến châu Âu thành châu lục không có khí phát thải cacbon.
Nghị viện châu Âu họp ngày 8/6. (Ảnh: Europa)
Nhóm họp trong phiên toàn thể tại Strasbourg ngày 8/6, các nghị sĩ châu Âu đã thảo luận về 8 đề xuất do Uỷ ban châu Âu đệ trình vào tháng 7/2021 với mục tiêu từ nay đến năm 2030 sẽ cắt giảm 55% lượng khí thải cacbon dioxit tại Liên minh châu Âu, và đã bỏ phiếu thông qua một trong những đề xuất gây nhiều tranh cãi nhất là việc cấm toàn bộ các ô tô chạy bằng động cơ đốt trong, tức chạy bằng nhiên liệu hoá thạch như xăng, dầu từ năm 2035.
Đến khi đó chỉ có các xe ô tô chạy bằng pin điện mới được phép hoạt động.
Mặc dù gặp phải sự phản đối rất lớn từ nhóm đảng Nhân dân châu Âu (PPE), lực lượng lớn nhất tại Nghị viện châu Âu, nhưng việc các nghị sĩ châu Âu thông qua được đề xuất này được coi là một sự kiện lịch sử.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc cấm toàn bộ các loại ô tô chạy bằng xăng, dầu từ năm 2035 sẽ buộc các nhà sản xuất ô tô châu Âu thực hiện các cuộc cách mạng trong lĩnh vực chế tạo ô tô điện, kéo theo đó là các thay đổi lớn trong mô hình kinh tế các nước, bởi ngành công nghiệp ô tô châu Âu sử dụng đến hàng chục triệu lao động trực tiếp và gián tiếp tại các quốc gia, kèm theo đó là hàng ngàn ngành công nghiệp phụ trợ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, quyết định này của Nghị viện châu Âu là không bất ngờ bởi xu hướng sử dụng xe điện đã phát triển rất mạnh tại châu Âu vài năm qua. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2022, đã có trên 365 ngàn xe ô tô điện đăng ký biển xe tại các nước Tây Âu, chiếm 8% tổng số xe ô tô đang lưu hành và tương đương con số bán ra của cả năm 2019.
Phát biểu tại Nghị viện châu Âu, Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu đồng thời là người phụ trách chính sách môi trường của Liên minh châu Âu - ông Frans Timmermans cho rằng, việc chuyển đổi năng lượng tại châu Âu là vấn đề cấp bách, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi châu Âu đối mặt với các thách thức lớn về năng lượng gây ra bởi cuộc chiến tại Ukraine.
“Những gì chúng ta cần làm là phải biến việc chuyển đổi năng lượng thành hiện thực. Cuộc chiến tại Ukraine càng gia tăng tầm quan trọng của việc thực hiện sự chuyển đổi này càng nhanh càng tốt. Số tiền chi ra cho năng lượng tái tạo sẽ ở lại châu Âu. Đây là thực tế đặt ra sự cấp bách cần tiến hành các biện pháp khẩn cấp như hiện nay”- ông Frans Timmermans cho biết./.