Ngày 19/1, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhận được bức thư ngỏ dày năm trang gồm 44 chữ ký của các nghị sỹ liên đảng bảo thủ yêu cầu bà phải thay đổi chính sách về người tị nạn hiện nay.
Các nghị sỹ gửi thư đề nghị Thủ tướng Merkel trả lời trong vòng một tuần sau khi nhận được bức thư ngỏ này.
Trong số 44 chữ ký, chỉ có 3 chữ ký của các nghị sỹ đảng "chị em" Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU), số còn lại đều là các nghị sỹ đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel.
Theo thư ngỏ, con số thực tế các nghị sỹ liên đảng bảo thủ muốn yêu cầu Thủ tướng Merkel thay đổi chính sách với người tị nạn thậm chí còn cao hơn, với khoảng 100 nghị sỹ, tức chiếm gần 1/3 số nghị sỹ của CDU/CSU trong Quốc hội Đức.
Tại một hội nghị của các nghị sỹ CSU ở Wildbad Kreuth, bang Bayern, 56 nghị sỹ CSU ở Quốc hội liên bang Đức đã kêu gọi chính phủ nước này phải thay đổi chính sách người tị nạn hiện nay.
Liên quan chính sách trên, Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier cùng ngày bác bỏ việc coi đóng cửa biên giới là giải pháp cho cuộc khủng hoảng người tị nạn, cho rằng biện pháp đơn lẻ như vậy không thể giải quyết được vấn đề.
Tuyên bố được đưa ra nhằm ám chỉ thông báo của Áo về việc đơn phương siết chặt kiểm soát biên giới.
Ngoại trưởng Steinmeier cũng ủng hộ việc đưa Maroc, Algeria và Tunisia vào danh sách những quốc gia an toàn, đồng nghĩa với việc người tị nạn từ các nước này tới Đức sẽ không được công nhận tị nạn.
Trong năm 2015 đã có khoảng 1,1 triệu người tị nạn tới Đức, trong đó chủ yếu là người Syria, Afghanistan và Iraq./.
Vietnam+