Các đảng phái lớn của Đức đang đi những bước đi cuối cùng và quan trọng trong tiến trình thành lập Chính phủ liên minh mới ở nước này.

Đây là những bước đi quan trọng bởi lễ nếu đổ bể, nhiều khả năng Đức sẽ phải bầu cử lại.

Những bước cuối cùng của Đức trong tiến trình lập Chính phủ mới - 0

Chính trị gia Đức Jens Spahn. Ảnh: Alcheron.

Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm nay (26/2) sẽ nhóm họp để phê chuẩn thỏa thuận liên minh mà đảng này và đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) đã đạt được với đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trước đó.

Đây là động thái nhằm giúp bà Angela Merkel tiến gần hơn tới nhiệm kỳ thứ 4 vị trí Thủ tướng của nền kinh tế lớn nhất của châu Âu. Ngoài ra, hội nghị cũng sẽ bỏ phiếu về việc chỉ định ông Annegret Kramp-Karrenbauer – đồng minh thân cận và có thể là người kế nhiệm  bà Merkel trong tương lai làm Tổng thư ký đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo.

Cản trở lớn nhất đối với tiến trình thành lập Chính phủ liên minh ở Đức lúc này chính là kết quả bỏ phiếu qua đường bưu điện của đảng Dân chủ Xã hội sẽ được công bố vào ngày 4/3 tới.

Theo đánh giá của giới phân tích, chẳng dễ gì có thể phán đoán về kết quả bỏ phiếu này bởi có một số nhóm trong đảng Dân chủ Xã hội đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc tái lập chính phủ đại liên minh với Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) như nhiệm kỳ vừa qua.

Bà Andrea Nahles, thành viên đảng Dân chủ Xã hội trong một tuyên bố mới đây nói:

“Chúng ta cần quyết định là liệu có nên bắt tay với họ hay không và liệu chúng ta có nên bước vào đại liên minh hay không. Đối với cá nhân tôi đây là một điều hết sức quan trọng”.

Nếu 464.000 đảng viên của Dân chủ Xã hội trên toàn quốc thông qua thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh, đảng này và liên minh của bà Merkel sẽ công bố lựa chọn nhân sự tham gia nội các mới. Nếu không nước Đức sẽ phải tiến hành bầu cử lại.

Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua (25/2) đã công bố danh sách 6 bộ trưởng thuộc đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của bà tham gia vào chính phủ mới.

Những người được bà Merkel lựa chọn gồm ông Peter Altmaier - Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng, bà Ursula von der Leyen - Bộ trưởng Quốc phòng, ông Jens Spahn - Bộ trưởng Y tế, bà Julia Klöckner - Bộ trưởng Nông nghiệp, bà Anja Karliczek - Bộ trưởng Giáo dục và ông Helge Braun - Bộ trưởng, Chánh văn phòng Thủ tướng.

Trong số này, Bộ trưởng Quốc phòng von der Leyen vẫn tại vị, trong khi ông Altmaier chuyển từ vị trí Chánh văn phòng Thủ tướng sang giữ cương vị Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng.

Những người còn lại đều là các gương mặt mới, trong đó đáng chú ý nhất là ông Spahn, người từng chỉ trích mạnh mẽ chính sách mở cửa đón người tị nạn của bà Merkel.

Theo các nhà phân tích, việc lựa chọn những bộ trưởng này là một dấu hiệu cho thấy Thủ tướng Đức đang thực hiện việc đổi mới trong chính phủ, bắt đầu từ chính nhân sự trong đảng của bà. Nhiều bộ trưởng còn khá trẻ, như ông Spahn mới 37 tuổi, ông Braun 45 tuổi.

Bà Merkel là người duy nhất trong thành phần Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo tham gia nội các mới trên 60 tuổi.

Sau 12 năm làm Thủ tướng và 18 năm chịu trách nhiệm quản lý đảng, quyền lực của bà Merkel đang dần tụt dốc. Điều này buộc bà phải có những quyết định nhằm thay máu, trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo để mang lại sức sống và tương lai mới cho đảng.

Quá trình thành lập chính phủ kéo dài cùng với bất đồng trong nội bộ các đảng tham gia đàm phán thành lập chính phủ liên minh đã khiến tỷ lệ ủng hộ liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD) giảm mạnh.

 

Nguồn: Hồng Nhung/VOV1

Tổng hợp




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC