Theo tòa án hành chính hàng đầu của Đức, các thành phố của nước này có thể ngay lập tức đưa ra lệnh cấm đối với những mẫu xe chạy Diesel cũ, nhằm đảm bảo mức ô nhiễm không khí phù hợp quy định của Liên minh châu Âu.
Biển báo giao thông cấm xe diesel được lắp đặt tại Max-Brauer Allee ở trung tâm thành phố Hamburg, Đức ngày 16 tháng 5 năm 2018. Ảnh: REUTERS
Một ngày sau khi Ủy ban châu Âu đệ đơn khiếu nại với tòa án hàng đầu châu Âu phản đối nước Đức vì liên tục thất bại trong việc bảo vệ chất lượng không khí tại các thành phố của nước này.
Chi tiết về phán quyết của tòa án sẽ gây áp lực không nhỏ tới Volkswagen và các hãng xe khác của Đức.
Hãng nghiên cứu Evercore ISI đã nói rằng điều này có thể làm cho ngành công nghiệp ô tô của Đức tốn khoảng 14,5 tỷ euro (xấp xỉ 17,1 tỷ USD).
Trước đó, các nhóm hoạt động vì môi trường đã kiện các thành phố không thực thi các quy định không khí sạch của châu Âu, dẫn tới hàng chục thành phố của Đức bao gồm, Hamburg, Munich và Stuttgart vượt quá giới hạn của Liên minh Châu Âu về nitơ oxit (NOx), được biết là nguyên nhân gây ra các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Trong một tuyên bố dài 30 trang về phán quyết được công bố hôm thứ Sáu vừa qua, tòa án hành chính của Đức ở Leipzig cho biết không nên có thời gian ân hạn để cấm các dòng xe chạy Diesel cũ.
Các nhà sản xuất ô tô châu Âu đã đầu tư mạnh vào các dòng động cơ Diesel, phát thải ít carbon gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu hơn so với động cơ xăng. Nhưng mặt trái của nó lại là sự ô nhiễm gây ra các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Một vụ biểu tình phản đối các dòng xe chạy Diesel đang làm ô nhiễm chất lượng không khí
Các thành phố của Đức cấm các mẫu xe sử dụng động cơ Diesel cũ chạy trên đường có thể là một đòn giáng mạnh vào các hãng xe lớn hàng đầu thế giới của Đức, song lại mang một ý nghĩa quan trọng đối với tương lai của của ngành công nghiệp ô tô nước này.
Juergen Resch, giám đốc quản lý môi trường DUH của Đức cho biết: “Phán quyết này giống như là một thảm họa đối với chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel khi đứng về sự tham lam vì lợi nhuận của các nhà sản xuất ô tô."
Trong số 15 triệu chiếc xe diesel hiện đang lưu hành tại Đức, chỉ có 2,7 triệu chiếc sử dụng công nghệ Euro 6 được thiết kế vào năm 2014.
Đối với các thành phố lớn, tòa án đề nghị thực hiện lệnh cấm theo giai đoạn bắt đầu với những chiếc xe đạt khí thải Euro 4 vì tiêu chuẩn này đã được loại bỏ từ năm 2009 để thay thế bằng Euro 5.
Tòa án cho biết thêm các mẫu xe chạy Diesel đạt tiêu chuẩn Euro 5 có thể tạm thời chưa bị cấm cho đến ngày 1/9/2019.
Phán quyết của tòa án là hành động pháp lý mới nhất được đưa ra sau vụ bê bối gian lận thử nghiệm phát thải diesel của Volkswagen vào năm 2015.
Hiện thành phố đông dân thứ 2 của Đức là Hamburg hôm thứ 4 cho biết họ cũng đã bắt đầu đưa ra các lệnh cấm chạy xe Diesel cũ và chính quyền địa phương đang mong đợi các hạn chế bắt đầu có hiệu lực vào cuối tháng này.
Nguồn: Viettimes, Reuters