Công cuộc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo (Erneuerbare Energie) bắt đầu manh nha ở Đức từ những năm 1980 với việc kêu gọi từ bỏ hoàn toàn năng lượng hạt nhân và năng lượng hóa thạch.
Nhưng phải đến năm 2010, chính phủ Đức mới chính thức thông qua được những mục tiêu cụ thể cho kế hoạch chuyển đổi này.
Những tấm pin năng lượng mặt trời trên mái một nhà thờ ở Đức. (Ảnh: Powerforthepeopleva.com)
Theo đó, đến năm 2022 nước này sẽ đóng cửa hoàn toàn các nhà máy điện hạt nhân và chuyển sang sử dụng các loại năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, quang điện, thủy điện nhằm đảm bảo không thay thế điện hạt nhân bằng điện than.
Chính phủ Đức đặt ra mục tiêu đến năm 2020 giảm được 40 % lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức của năm 1990 và con số này sẽ tăng từ 80 đến 95 % vào năm 2050.
Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng trên, chính phủ Đức muốn nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo chiếm khoảng 40 đến 45 % sản lượng điện vào năm 2025 và chiếm 55 đến 60 % vào năm 2035.
Chính phủ Đức đã đầu tư hàng chục tỷ Euro cho việc nghiên cứu và sử dụng năng lượng tái tạo (Erneuerbare Energie) cũng như đưa ra nhiều ưu đãi như giảm thuế để khuyến khích người dân chuyển sang dùng năng lượng sạch.
Đức đã có cuộc chuyển đổi năng lượng thành công ngoạn mục.
Nhờ các khoản trợ cấp của chính phủ, hàng triệu người dân Đức đã lắp pin mặt trời (Solarenergie) trên mái nhà, biến Đức trở thành thị trường năng lượng mặt trời hàng đầu thế giới.
Tổng năng lượng tái tạo sản xuất ở nước này đã đạt mức 35% mức tiêu thụ điện cả nước, một tỷ lệ đáng kinh ngạc theo tiêu chuẩn toàn cầu.
Nguồn: VTV