Sau nhiều tháng lâm vào thế bế tắc chính trị do không có một chính phủ dẫn dắt, người dân Đức dường như sắp có một chính phủ về căn bản là không khác gì chính phủ liên minh đã từng lãnh đạo họ trong suốt 8 năm qua. Điều gì đã dẫn tới điều đó?
Đột phá thế bế tắc
Trong hơn 4 tháng qua, nước Đức - vốn được xem như một biểu tượng về sự ổn định ở khu vực châu Âu đã phải vận hành mà không có chính phủ dẫn dắt.
Cuộc bầu cử tổ chức vào tháng 9 năm ngoái thất bại trong việc hình thành một chính phủ liên minh đa số cho đảng bảo thủ của nữ Thủ tướng Angela Merkel.
Không dừng ở đó, kỳ bầu cử này còn chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của đảng dân túy Sự thay thế cho nước Đức (AfD), đánh dấu lần đầu tiên trong vòng 6 thập kỷ qua mà một đảng cực hữu có thể đặt chân vào Quốc hội của nước này.
Đáng thất vọng nhất là, đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng từng là đối tác liên minh của đảng CDU của bà Merkel trong suốt gần một thập kỷ qua, đã từ chối gia nhập liên minh của bà một lần nữa, thay vào đó sẽ tự đặt mình vào vị thế một đảng dẫn đầu của phe đối lập.
Đương nhiên không có một chính đảng nào ở Đức lại muốn thành lập chính phủ liên minh với đảng AfD, và hậu quả là: Bế tắc.
Đường phố Thủ đô Berlin (Đức).
Cho đến mãi hôm thứ Tư tuần này, mọi chuyện mới dần được tháo gỡ.
Đó là thời điểm mà một phiên đàm phán marathon kéo dài suốt 23 giờ đồng hồ đi đến kết luận bằng một thỏa thuận giữa đảng CDU/CSU của bà Merkel và đảng SPD của ông Martin Schultz, trong đó dẫn đến việc thành lập một "đại liên minh".
Đáng nói là chính đại liên minh giữa SPD và CDU đã từng dẫn dắt nước Đức trong suốt 8 năm qua.
Trong lúc phải đối mặt với rủi ro tổ chức thêm các cuộc bầu cử mới - điều gần như chắc chắn sẽ khiến các chính đảng ở Đức chịu thêm một thất bại to lớn (theo các lá phiếu thăm dò) - SPD đã đi đến quyết định rằng họ sẽ hợp tác với đảng của bà Merkel.
Và sau nhiều tháng lâm thế bế tắc, người dân Đức dường như đã trở lại đúng vị trí mà họ khởi đầu trước khi bầu cử diễn ra.
Cái giá phải trả
Tuy nhiên, cũng có một số điểm khác biệt. Đảng SPD - đảng đã có một kết quả đáng thất vọng trong kỳ bầu cử năm ngoái - đã rời khỏi vòng đàm phán với CDU hôm thứ Tư vừa qua sau khi đạt được một số thỏa thuận được coi là chiến thắng lớn đối với họ khi đảng này được trao quyền kiểm soát một số cơ quan chính phủ, bao gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và Bộ Lao động.
Đảng CDU của Thủ tướng Merkel cũng mất đi quyền kiểm soát Bộ Nội vụ vào tay một chính trị gia có tư tưởng bảo thủ hơn thuộc đảng CSU.
"Dù cho CDU có giành được số phiếu ủng hộ lớn nhất trong kỳ bầu cử năm ngoái, thì họ vẫn không giành được quyền kiểm soát bất cứ một Bộ quan trọng nào"- ông Marcel Dirsus, chuyên gia phân tích khoa học chính trị thuộc ĐH Kiel, nhận định - "Bà Merkel đã phải trả cái giá quá đắt để thành lập liên minh này".
Những sự thay đổi này được cho là có ý nghĩa nhất định đối với nước Đức, ví dụ như đảng SPD khi đã kiểm soát Bộ Lao động có thể sẽ thúc đẩy một số chính sách mới về lao động, như quyền công nhân.
Ngoài ra, với một liên minh cũ như CDU/CSU-SPD thì mọi thứ ở Đức dường như vẫn như cũ. Một số hãng truyền thông Đức cũng đưa tin rằng có khả năng Bộ trưởng Tài chính hiện nay, ông Wolfgang Schauble thuộc đảng CDU, sẽ bị thay thế bởi ông Olaf Scholz của đảng SPD.
Trong lúc mà hơn 50% người dân Đức mong muốn sẽ tổ chức các cuộc bầu cử mới nếu như đàm phán thành lập chính phủ liên minh thất bại (theo các bản thăm dò mới nhất), cả đảng CDU của bà Merkel lẫn đảng SPD không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đạt được một thỏa thuận, dù thỏa thuận đó không khiến họ hài lòng.
Trên thực tế, một bảng thăm dò mới nhất do tờ Bild của Đức thực hiện cho thấy, nếu như các cuộc bầu cử được tổ chức ngay trong tuần này, "đại liên minh" giữa CDU và SPD sẽ mất đi sự ủng hộ, trong khi tỷ lệ ủng hộ cho đảng CDU của bà Merkel sẽ giảm 3% và của đảng SPD giảm 0,5%.
Để đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh, Thủ tướng Merkel đã phải nhượng bộ quá nhiều.
Thêm một ải phải vượt
Và dù đã đạt được một thỏa thuận đột phá thế bế tắc, thì chông gai vẫn trải dài trên con đường phía trước.
Trước khi đại liên minh giữa CDU-SPD chính thức được thành lập, nó cần phải nhận được sự chấp thuận của hơn 460.000 thành viên của đảng SPD, những người vốn có tư tưởng tẩy chay thành lập liên minh với CDU vì cho rằng 8 năm vận hành đất nước cũng đảng này đã khiến SPD suy yếu.
Các thành viên đảng SPD sẽ tham gia một cuộc bỏ phiếu qua thư trong những tuần tới để quyết định xem liệu thỏa thuận mới có được thông qua hay không.
Ông Kevin Kühnert, lãnh đạo nhánh trẻ của đảng SPD, đã đánh tín hiệu rõ ràng rằng các thành viên trẻ tuổi của đảng này phản đối việc đảng của họ tham gia liên minh thêm một lần nữa.
"Sự phản đối của họ không chỉ nhằm vào việc bác bỏ thỏa thuận liên minh, mà còn phản đối kiểu chính trị hiện nay của đảng"- ông Kühnert nói.
Và nếu có hy vọng nào đó giúp cho thỏa thuận thành lập liên minh được phê chuẩn, nước Đức sẽ sớm có một chính phủ vận hành vào khoảng tháng 4 tới.
Tuy nhiên, hiện giới lãnh đạo các đảng đang tham gia vào thỏa thuận này đều tỏ ra khá hài lòng với bước đột phá vừa qua.
"Mệt mỏi, nhưng thỏa mãn" là câu bình luận mà giới lãnh đạo đảng SPD viết trong thông điệp gửi trên ứng dụng tin nhắn WhatsApp để gửi tới các thành viên của mình, xác nhận việc đạt được một thỏa thuận liên minh với CDU.
Nguồn: Linh Chi
Đại Đoàn Kết