Omicron được phát hiện đầu tiên ở châu Phi nhưng châu Âu mới là nơi lây lan mạnh và có nguy cơ bùng dịch nặng do sự hoành hành cùng lúc của cả Omicron và Delta. 

Chỉ vừa mở cửa vài tháng giờ các quốc gia châu Âu đang phải thực hiện hàng loạt biện pháp quyết liệt phòng chống dịch, trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 giai đoạn cuối năm diễn biến tiêu cực với sự xuất hiện của biến thể Omicron bên cạnh biến thể Delta vẫn đang hoành hành nguy hiểm.

Báo động lây lan

Theo hãng tin Reuters, hiện tại số ca nhiễm mỗi ngày ở châu Âu cao hơn so với thời điểm dịch mới bùng phát. Số ca nhiễm tăng từ hơn 100.000 ca/ngày hồi tháng 9 lên gần 400.000 ca/ngày những ngày gần đây, với các điểm nóng là Anh, Pháp và Đức. Trong ngày 15-12, Anh ghi nhận tới hơn 78.000 ca nhiễm, Pháp gần 66.000 ca, Đức hơn 55.000 ca.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) - bà Andrea Ammon cảnh báo rằng tình trạng lây nhiễm sẽ còn tiếp tục tăng, nhất là khi người dân các nước bước vào kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới. Cụ thể theo bà, “những tuần tới số ca nhiễm, nhập viện, phải chăm sóc đặc biệt, cả tử vong sẽ tăng” và “việc biến thể Omicron xâm nhập sẽ còn làm mọi chuyện trở nên khó khăn hơn”.

Omicron sinh sôi nhanh gấp 70 lần Delta trong phế quản người

Tờ The Guardian ngày 15-12 dẫn nghiên cứu của một nhóm chuyên gia thuộc ĐH Hong Kong phát hiện biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 sinh sôi nhanh gấp 70 lần biến thể Delta khi xâm nhập vào phế quản con người trong 24 giờ.

Kết quả trên thu được sau khi nhóm nghiên cứu cho Omicron tiếp xúc với mẫu mô lấy từ phế quản người. Điều này giúp lý giải phần nào tại sao Omicron lại có khả năng lây lan cao bất thường như nhiều chuyên gia trên thế giới đã cảnh báo thời gian qua.

Dù vậy, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện khi tiếp xúc với mẫu mô lấy từ phổi thì Omicron lại sinh sôi chậm hơn 10 lần, có thể là chỉ dấu cho thấy biến thể này có độc tính không cao.

Trưởng nhóm nghiên cứu - TS Michael Chan Chi-wai cho biết các kết quả nghiên cứu như của nhóm ông cần phải được đánh giá hết sức cẩn trọng. Độ nguy hiểm của một dịch bệnh nói chung không thể chỉ đánh giá thông qua mức độ lây lan của nó cao hay thấp, mà còn phải tính tới cả các yếu tố như phản ứng miễn dịch của cơ thể người - chẳng hạn liệu hệ miễn dịch của người đó đã bị rơi vào tình trạng quá tải chưa.

1 Omicron Hop Suc Delta Day Chau Au Vao Dot Dich Nguy Hiem

Người dân trong một trung tâm thương mại ở thủ đô Paris (Pháp) ngày 8-12. Ảnh: AP

Anh là nước đang bị Omicron hoành hành nặng nhất châu Âu. Cơ quan An ninh y tế Anh (UKHSA) đã ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm Omicron tính từ đầu tháng 12 đến nay. Trong khi đó theo thống kê của ECDC, tính đến ngày 15-12, đã có hơn 2.600 ca nhiễm Omicron được phát hiện ở các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) - tập trung phần lớn ở Na Uy, Đan Mạch và Pháp.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) - bà Ursula von der Leyen, tới thời điểm này, Delta vẫn là biến thể chiếm ưu thế làn sóng dịch COVID-19 ở châu Âu, song với tốc độ lây lan rất nhanh thì nhiều khả năng đến giữa tháng 1-2022 Omicron sẽ trở thành biến thể thống trị dịch ở châu lục này.

Khẩn trương ứng phó

Theo Giám đốc ECDC - bà Ammon, nhiệm vụ quan trọng nhất trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay là tăng phủ sóng vaccine, đặc biệt với các nhóm dân dễ bị tổn thương. Đến nay, 66% dân số EU đã được tiêm đủ hai mũi, 62 triệu dân đã được tiêm mũi thứ ba.

Nhiều nước đang khẩn trương đẩy nhanh tốc độ phủ mũi tăng cường cho dân, đặc biệt chú trọng đến nhóm đối tượng người già - phòng nguy cơ họ bị lây nhiễm khi gặp con cháu mùa lễ hội cuối năm và tiêm chủng cho nhóm trẻ 5-11 tuổi - nhằm tạo thuận lợi cho trẻ tiếp tục đến trường.

Ngày 15-12, Đức, Hungary, Ý, Tây Ban Nha và Hy Lạp đồng loạt triển khai chương trình tiêm chủng cho trẻ em 5-11 tuổi.

Pháp ra quy định bắt buộc người trên 65 tuổi phải tiêm mũi tăng cường nếu không muốn thẻ xanh của họ mất hiệu lực, theo kênh France24. Yêu cầu này sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 15-1 năm sau; sau ngày đó, người dân đã tiêm liều tăng cường mới được vào nhà hàng, quán cà phê, rạp chiếu phim, viện bảo tàng và các địa điểm công cộng khác.

Trang tin The Local cho biết chính quyền liên bang Đức và các tiểu bang đã đồng ý miễn yêu cầu xuất trình thẻ xanh hoặc giấy xác nhận F0 đã khỏi bệnh trước khi vào các cơ sở giải trí đối với những người đã tiêm liều tăng cường. Quyết định này được cho là nhằm khuyến khích người dân đi tiêm và giảm áp lực cho nhân viên xét nghiệm. Tuy nhiên, khi đi vào bệnh viện hoặc nhà dưỡng lão thì người dân vẫn cần xuất trình giấy xét nghiệm nhằm bảo vệ những người dễ tổn thương ở đây.

Chủ tịch EC - bà Ursula von der Leyen khẳng định EU có đủ vaccine để phân bổ cho mỗi quốc gia thành viên triển khai tiêm liều tăng cường.

Song song đó, nhiều nước châu Âu đã áp nhiều hạn chế đi lại và tụ tập để hãm đà lây lan của virus. Ý, Bồ Đào Nha yêu cầu khách nhập cảnh ngoài chứng nhận đã được tiêm đủ mũi vaccine còn phải có giấy xét nghiệm âm tính. Ba Lan yêu cầu các cơ sở phục vụ ăn uống, giải trí và các khu vực công cộng giảm công suất hoạt động xuống 30%, đóng cửa tạm thời các hộp đêm, theo hãng tin AFP.

Vĩ Cường

Nguồn: plo.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC