Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 4/11. (Ảnh: Reuters)
Ông Scholz trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của G7 thăm chính thức Trung Quốc trong 3 năm qua, trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và phương Tây đang chịu nhiều thử thách.
Trong cuộc gặp tại Đại lễ đường nhân dân Trung Quốc, ông Tập nói rằng, là những nước lớn có tầm ảnh hưởng, Trung Quốc và Đức nên tăng cường làm việc cùng nhau “trong thời kỳ thay đổi và bất ổn”, CCTV đưa tin.
Ông Scholz nói với nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng hai người gặp nhau trực tiếp trong giai đoạn căng thẳng như hiện nay là việc tốt, khi cuộc xung đột ở Ukraine đang gây ra nhiều vấn đề đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, Reuters đưa tin.
Ông Scholz cho biết sẽ cùng ông Tập bàn về các vấn đề liên quan đến quan hệ châu Âu – Trung Quốc, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và nạn đói toàn cầu, các biện pháp tăng cường kinh tế Trung – Đức, cũng như những chủ đề mà quan điểm của hai bên còn khác biệt.
Thủ tướng Scholz thăm Trung Quốc lần này cùng với một đoàn lãnh đạo doanh nghiệp Đức.
Trong bối cảnh lạm phát tăng kỷ lục và nguy cơ suy thoái kinh tế, ông Scholz được cho là sẽ nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục hợp tác với Trung Quốc.
Ông cũng sẽ có cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, để nêu một số vấn đề gây tranh cãi như nhân quyền, Đài Loan (Trung Quốc), những khó khăn mà các công ty Đức đang gặp phải khi tiếp cận thị trường Trung Quốc, các nguồn tin từ chính phủ Đức cho biết.
Có một số chỉ trích trước khi ông Scholz thực hiện chuyến thăm, chủ yếu từ đảng Xanh và phe Tự do.
Tuần trước, hãng vận tải tàu biển Cosco của Trung Quốc được Berlin "bật đèn xanh" để mua cổ phần sở hữu cảng biển Hamburg, bất chấp phản đối của các đảng liên minh.
Vai trò quan trọng của Trung Quốc trong các ngành công nghiệp chủ chốt, từ vận tải biển đến xe điện, cùng với những "trận gió ngược" chưa từng có mà kinh tế Đức đang đối mặt sẽ khiến Thủ tướng Scholz cần Trung Quốc hơn cả người tiền nhiệm Angela Merkel, Wang Yiwei - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Âu tại ĐH Nhân dân, nhận định.
“Bà Merkel cũng khá coi trọng ý thức hệ (với Trung Quốc) lúc bắt đầu lãnh đạo, nhưng rồi bà ấy thay đổi. Ông Scholz còn thay đổi nhanh hơn, nhưng ông ấy không có nền tảng ủng hộ trong nước vững như bà Merkel”, ông Wang nói.
Bình Giang
Nguồn: tienphong.vn