Lại một lần nữa, Hans – Werner – Sinn châm ngòi cho một cuộc tranh luận, khi ông kết luận rằng, trong vấn đề nhập cư, nước Đức phải chịu thua thiệt nhiều hơn được lợi.
Cho đến nay, phần lớn dân chúng Đức thống nhất với nhau: Người nhập cư làm lợi cho nước Đức, chẳng những làm đất nước này phong phú hơn do họ mang đến đây những món ăn ngon truyền thống, mà họ còn trả cho hệ thống thuế và bảo hiểm xã hội ở Đức nhiều hơn khoản nhà nước phải chi cho họ. Còn ý kiến của ông Sinn ngược lại, phải chi cho họ nhiều hơn là họ đóng góp. Vậy ai có lý hơn?
Chính ông Sinn cũng dựa vào kết quả nghiên cứu thị trường lao động của Holger Bonin thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế châu Âu, do viện Bertelsmann ủy quyền. Bonin đã dựa vào những thông số của năm 2012, trong đó người nước ngoài bình quân mang về cho Đức 3300 Euro nhiều hơn là chi cho họ. Nói chung đây là bản nghiên cứu có phần thân thiện với người nước ngoài.
Ông Sinn công nhận khoản 3300 Euro này nhưng nói rằng, đó mới chỉ chú ý đến việc trả thuế và nhận tiền con, trên thực tế còn phải trừ một khoản mà nhà nước phải chi bình quân đầu người dân 5100 Euro (chi phí đào tạo, quốc phòng, đường xá), tức là lỗ 1800 €. Yêu cầu của ông Sinn chắc chắn sẽ làm hài lòng những người biểu tình ủng hộ phong trào Pegida. Tuy nhiên ông Sinn không đòi giảm thiểu người nhập cư vào Đức, mà là đòi hỏi một chính sách nhập cư để thu hút những người có trình độ, không quan tâm đến nguồn gốc hay vùng miền. Vì ông cho rằng, những người này sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn cho nước Đức.
Trong suy luận của ông có những điều chưa đúng. Đành rằng có thể chia chi phí cho quân đội bình quân đầu người 350 € một năm, nhưng không phải số người nước ngoài vào Đức tăng lên mà phần chi phí kia cũng tăng lên! Sinn lại đồng ý trừ khoản 350 € tức là còn 1450 € chứ không phải 1800 €.
Ông Sinn cũng hiểu, nếu không có người nhập cư, dân Đức sẽ giảm đi rất nhiều. Chi phí cho lực lượng công an, đường xá, thư viện là khoản chi cố định, cho dù có ít người dân cần cái đó. Nếu chẳng hạn vì người nước ngoài đông quá mà nhà nước phải xây đường thành bốn tuyến, lúc đó mới có thể nói là do họ mà tổn phí cao hơn.
Biện luận của Sinn phần lớn dành cho những quốc gia có số dân ổn định một thời gian dài, còn áp dụng cho Đức, một nước dân số cứ giảm dần là không hợp lý.
Ở những bang miền đông, nơi đảng AfD (Alternative für Deutschland, một đảng thiên hữu) và phong trào Pegida rất mạnh thì chi phí trong những năm tới của nhà nước bình quân đầu người sẽ tăng lên, do dân số giảm. Chỉ trừ khi số trường học phải đóng cửa nhiều hơn nữa, cắt giảm số lượng cảnh sát mạnh hơn nữa. Ở những vùng này, đáng lẽ phải cho nhập cư nhiều hơn nữa để khai thác hạ tầng cơ sở và như thế ít nhất là giữ ổn định được chi phí bình quân đầu người.
Cứ theo quan điểm của Sinn thì cuộc sống của chúng ta lúc nào cũng thua lỗ, nếu chỉ tính về kinh tế. Luận điểm này sẽ ủng hộ cho nội dung một số đầu sách xuất bản gần đây chỉ trích chính sách nhập cư ở Đức.
Theo Spiegel Online/ Thoibao.